Trang chủ Kinh doanhThị trường Ngụp lặn giữa khủng hoảng, sầu riêng Việt ‘lội ngược dòng’ thế nào?

Ngụp lặn giữa khủng hoảng, sầu riêng Việt ‘lội ngược dòng’ thế nào?

bởi Admin
0 Lượt xem

Lối đi nào cho sầu riêng ?

Năm 2024, sầu riêng đạt kỷ lục xuất khẩu với 1,5 triệu tấn, thu về hơn 3,3 tỷ USD – chiếm gần 50% kim ngạch rau quả, trong đó 91% xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng sụt mạnh, chỉ đạt 120-130 triệu USD (35.000 tấn), bằng 20% kế hoạch, do Trung Quốc siết kiểm dịch, dư lượng Cadmium , vàng O và truy xuất nguồn gốc.

Tình trạng không xuất khẩu được, các lô hàng bị trả về, bà con mang sầu riêng ra lề đường bán rẻ, sự việc này kéo dài 4 tháng được coi là “cuộc khủng hoảng ” của ngành hàng tỷ USD này.

Thông tin tới PV Tiền Phong, ông Đỗ Đức Duy – Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) – trong bối cảnh xuất khẩu sầu riêng đang gặp khủng hoảng, Bộ NN&MT đã đề ra hàng loạt giải pháp để thúc đẩy ngành hàng quay trở lại đường đua. Trước mắt, Bộ tập trung vào việc tăng cường kiểm nghiệm và kiểm tra nghiêm ngặt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt là các chất như Cadimi và vàng O. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc – yếu tố “sống còn” trong xuất khẩu chính ngạch.

“Các cuộc đối thoại tích cực với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vẫn đang được duy trì, nhằm tháo gỡ rào cản, khôi phục và mở rộng thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch” – ông Duy cho biết và nói rằng hệ thống giám sát an toàn thực phẩm và quản lý mã số cũng đang được củng cố, trong đó năng lực của các địa phương được nâng cao để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trên toàn chuỗi sản xuất.

- Ảnh 1.

Sầu riêng cần có lối đi mới để vượt khủng hoảng. Ảnh minh họa: IT.

Về dài hạn, Bộ NN&MT đang xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển ngành hàng sầu riêng đến năm 2030. Chiến lược này tích hợp các khâu then chốt như quy hoạch vùng trồng, kiểm soát chất lượng giống, chế biến và logistics.

Một thông tư chuyên biệt về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng đang được Bộ NN&MT xây dựng, nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho toàn bộ chuỗi giá trị sầu riêng. Trong đó, chế biến sâu được xác định là hướng đi tất yếu nếu Việt Nam muốn gia tăng giá trị và giảm thiểu các rủi ro từ thị trường tươi sống.

Theo ông Duy, chế biến không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản, đáp ứng đa dạng yêu cầu của các thị trường cao cấp mà còn tạo cơ hội khai thác các phụ phẩm như vỏ, hạt sầu riêng trong sản xuất thực phẩm chức năng hoặc nguyên liệu công nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ NN&MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào chế biến sầu riêng, đặc biệt là các công nghệ hiện đại như đông lạnh, sấy thăng hoa và chiết xuất phụ phẩm.

Giai đoạn 2025 – 2026, Bộ NN&MT sẽ lồng ghép hỗ trợ ngành sầu riêng vào các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ tín dụng, phát triển kho lạnh và thiết bị sơ chế bảo quản. Cùng với đó, việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến cũng được chú trọng để đảm bảo tính ổn định, bền vững trong sản xuất và phân phối sản phẩm theo chuỗi khép kín.

Nhiệm vụ mang tính quốc gia

Một trong những vấn đề cốt lõi hiện nay của ngành sầu riêng Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Bộ NN&MT đã xác định rõ rằng đa dạng hóa thị trường là con đường tất yếu để ngành sầu riêng phát triển bền vững.

“Thời gian qua, Bộ đã và đang xúc tiến các thủ tục mở cửa chính ngạch sang các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)” – Bộ trưởng Bộ TN&MT thông tin.

Đây đều là những thị trường có nhu cầu cao đối với trái cây nhiệt đới, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến. Để tiếp cận được các thị trường này, Bộ đã triển khai chiến lược xúc tiến thương mại theo phân khúc, phù hợp với đặc thù của từng quốc gia, đặc biệt chú trọng đến nhóm sản phẩm sầu riêng đông lạnh và sầu riêng chế biến.

- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Bộ NN&MT.

Cùng với việc mở rộng thị trường, Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và các chứng chỉ kỹ thuật khác. Đây là yếu tố quan trọng để sầu riêng Việt Nam không chỉ “bước chân vào” mà còn đứng vững và vươn xa trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.

Phát triển thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam cũng được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng hình ảnh, tăng cường nhận diện và định vị sản phẩm sẽ giúp nâng cao giá trị, tạo niềm tin cho người tiêu dùng quốc tế và từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác lâu dài với các đối tác chiến lược.

Việc đa dạng hóa thị trường không thể thành công nếu chỉ có một mình ngành nông nghiệp vào cuộc. Đây là một nhiệm vụ mang tính quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều bộ, ngành. Trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán thuế quan và quảng bá sản phẩm. Bộ Ngoại giao và hệ thống tham tán thương mại sẽ đảm nhận nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp với thị trường quốc tế và hỗ trợ tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ đổi mới công nghệ chế biến và tiêu chuẩn hóa sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng thị trường.

“Việt Nam cần có một chương trình cấp quốc gia về phát triển sản phẩm trái cây xuất khẩu chủ lực, trong đó sầu riêng sẽ là một trong những trụ cột quan trọng” – Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan