Phát biểu tại tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào” do Báo Pháp Luật TP HCM tổ chức ngày 12-4, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Yến sào Khánh Hòa, chỉ ra một thực tế là người người, nhà nhà làm yến, thương mại hóa nhanh, thu tiền nhanh nhất có thể.
Đáng chú ý, với sự nở rộ của các kênh bán hàng online như: Facebook, TikTok, Zalo và cả các sàn thương mại điện tử, hàng loạt sản phẩm gắn mác “yến sào” xuất hiện với giá rẻ bất thường. Hệ quả là người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
“Có những hũ yến giá chỉ 9.000 – 15.000 đồng, không có thành phần yến, ngay cả phụ gia chính thống, an toàn cũng không thể có giá rẻ như vậy” – ông Hải lo ngại.
Ông Hải cho hay có tình trạng các cơ sở sản xuất yến cho đối tác gia công tùy tiện, ghi nhãn thiếu minh bạch. Các đối tác này không đầu tư chất lượng sản phẩm mà tập trung phát triển đội ngũ bán hàng làm rối loạn thị trường.
Trước thực trạng trên, ông Hải kiến nghị cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm yến sào. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc và ghi nhãn sản phẩm.
Dưới góc độ quản lý, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thừa nhận việc xử lý hàng giả rất khó, thường phải bắt quả tang.

Ông Nguyễn Thanh Hải (đứng), Tổng Giám đốc Công ty CP yến sào Khánh Hòa, phát biểu tại tọa đàm
Với mặt hàng yến sào, các đơn vị thường ghi nhãn, ví dụ 20% yến sào – điều này rất khó chứng minh qua kiểm nghiệm. Một số người tiêu dùng sợ yến giả nên mua yến thô về tự chế biến cho chắc ăn.
“Cần công bố hàm lượng chất chính của yến sào, tương tự như hàm lượng saponin trong sâm thì sẽ minh bạch hơn với người tiêu dùng” – ông Phát đề nghị.
Theo ông Phát, do yến có giá trị cao nên việc bán yến giả có mức xử phạt rất nặng. Ví dụ, một người bán 1 kg yến sào giả có thể bị phạt 120 triệu đồng, nếu là tổ chức bị phạt 240 triệu đồng, thậm chí chuyển qua xử lý hình sự.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhấn mạnh yến sào là ngành có giá trị kinh tế cao và rất có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để ngành yến phát triển, Việt Nam nên tham khảo các nước như Indonesia, Malaysia về tiêu chuẩn hóa sản phẩm để nâng giá trị.
Tại TP HCM, nhiều sản phẩm yến sào đã có chứng nhận OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) và sẽ đề xuất đưa đặc sản này vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP HCM.
“Sâm Ngọc Linh dù chỉ được trồng ở 6 tỉnh nhưng cũng có chương trình phát triển do Thủ tướng phê duyệt. Yến sào cũng cần có chương trình như vậy để phát huy được tiềm năng, nguồn lực” – ông Phú đề xuất.
Đọc bài gốc tại đây.