Thương hiệu bắt đầu từ bên trong doanh nghiệp
Không ít doanh nghiệp Việt đã có sự đầu tư nghiêm túc vào nhận diện thương hiệu, truyền thông sáng tạo hay phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng chừng đó là chưa đủ. Bởi khách hàng ngày nay quan tâm nhiều hơn đến cách doanh nghiệp đối xử với nhân viên, đóng góp cho cộng đồng và hành xử với môi trường. Thương hiệu, do đó, không còn là “lớp vỏ” bên ngoài mà phản ánh trực tiếp bản sắc và giá trị nội tại.
Chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia từ KPMG, LifeNex, Pencil Group, Better Up, Nayan cùng đại diện Quỹ Sống đều thống nhất rằng phát triển bền vững là một chiến lược cần được tích hợp vào toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, từ việc thiết kế sản phẩm, xây dựng văn hóa nội bộ đến chuỗi cung ứng.
Theo khảo sát của Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để ủng hộ các thương hiệu có trách nhiệm xã hội và môi trường, cho thấy mức độ kỳ vọng mới từ thị trường với doanh nghiệp.

Hội thảo cũng chỉ ra bức tranh toàn cầu với những thách thức lớn đang đặt ra cho chiến lược thương hiệu: biến động kinh tế, khủng hoảng khí hậu, chuyển đổi số và thay đổi hành vi người tiêu dùng đang buộc doanh nghiệp phải thích nghi nhanh và chủ động hơn. Đây không còn là lý thuyết, mà ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và sự tồn tại của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, mô hình CSV (Creating Shared Value – Tạo giá trị chung) được giới thiệu như một hướng tiếp cận giúp doanh nghiệp không chỉ “làm điều tốt”, mà biến việc đó thành một phần của chiến lược kinh doanh.
Không dừng lại ở các hoạt động tài trợ hay CSR truyền thống mà đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tạo ra tác động tích cực thông qua chính sản phẩm, dịch vụ của mình. Đồng thời đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh như năng lực trung tâm, giúp doanh nghiệp thích nghi và dẫn dắt trong hành trình phát triển bền vững.
Cuối cùng, một thương hiệu bền vững chỉ có thể thành hình khi tư duy phát triển bền vững được tích hợp từ bên trong. Những thay đổi về văn hóa tổ chức, cách quản trị, tuyển dụng và đào tạo nội bộ cũng đóng vai trò quan trọng so với chiến lược marketing hay hoạt động cộng đồng. Việc vượt qua rào cản nội tại để đồng bộ hóa tầm nhìn bền vững sẽ là bước chuyển then chốt, giúp thương hiệu xây dựng được niềm tin lâu dài từ người tiêu dùng và cộng đồng.
Đã đến lúc thôi nói về bền vững như một khẩu hiệu
Khép lại hội thảo, điều đọng lại không chỉ là những khái niệm chuyên môn hay các mô hình quản trị mới, mà là một lời nhắc rõ ràng: đã đến lúc các doanh nghiệp cần ngừng xem “phát triển bền vững” như một nhãn dán truyền thông. Bởi trong một thế giới liên tục biến động từ thiên tai, bất bình đẳng xã hội đến khủng hoảng niềm tin tiêu dùng, không thương hiệu nào có thể tồn tại lâu dài nếu chỉ dựa vào hình ảnh bên ngoài.

Các chuyên gia đồng thuận rằng, ESG hay CSV không phải đặc quyền của tập đoàn toàn cầu. Đó là hướng đi khả thi, thực tế, và ngày càng bắt buộc với mọi doanh nghiệp bất kể quy mô nếu muốn tạo ra sức ảnh hưởng tích cực và chiếm được lòng tin bền vững từ thị trường.
Trong suốt hội thảo, tinh thần “thay đổi từ bên trong” liên tục được nhấn mạnh. Không có mô hình chiến lược nào thực sự hiệu quả nếu đội ngũ lãnh đạo không dám đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đang tối ưu cho doanh thu, hay cho giá trị bền vững? Một thương hiệu tử tế không thể xây dựng nếu nội bộ chưa minh bạch, nhân viên chưa được tôn trọng, chuỗi cung ứng còn gây hại đến môi trường hay thờ ơ với cộng đồng xung quanh.
Đáng chú ý, trong lúc hội thảo đang diễn ra, nhiều người không khỏi băn khoăn trước những cập nhật thời tiết khắc nghiệt từ miền Trung. Mưa lớn khiến lũ dâng nhanh, làm hỏng toàn bộ xi măng chuẩn bị xây nhà cho bà con nghèo trong chương trình Nhà Chống Lũ. Nhiều gia đình mất trắng sau một đêm.
Thông tin này không chỉ gây xúc động mà còn nhấn mạnh một thông điệp: phát triển bền vững không nằm đâu xa nó nằm ở khả năng doanh nghiệp lắng nghe và hành động vì những cộng đồng dễ tổn thương nhất, bằng chính năng lực lõi và mô hình kinh doanh của mình.

Trong hành trình xây dựng thương hiệu bền vững, các doanh nghiệp Việt không đơn độc. Khi bền vững được nhìn như một trách nhiệm chung thay vì một chiến lược riêng rẽ, thương hiệu sẽ phát triển và tạo ảnh hưởng tích cực lên cả thế hệ sau.
Đọc bài gốc tại đây.