Theo số liệu của Cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 3/2025 đạt gần 108.000 tấn, trị giá 215 triệu USD.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su của nước ta đạt 383.000 tấn, trị giá 738 triệu USD, giảm 7,5% về lượng nhưng lại tăng đến 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024 nhờ giá tăng cao. Bình quân, giá cao su xuất khẩu tăng 31,4%, đạt 1.926 USD/tấn.
Yếu tố hỗ trợ cao su duy trì giá ở mức cao trong năm nay bao gồm: nguồn cung thiếu hụt do hiện tượng La Nina ảnh hưởng đến các quốc gia sản xuất chính; nhu cầu sản xuất tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia là 3 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong quý 1.

Trong đó, xuất khẩu cao su sang Mỹ trong tháng 3 tăng 111% về kim ngạch so với tháng 2. Tính chung 3 tháng đầu năm, Mỹ đã mua hơn 6.300 tấn cao su từ Việt Nam, trị giá 13 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.052 USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Một mặt hàng khác là sản phẩm từ cao su cũng giúp Việt Nam thu về 143 triệu USD từ Mỹ, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại Latex được xuất khẩu nhiều nhất.
Năm 2024, Việt Nam là nguồn cung cao su lớn đứng thứ 13 vào Mỹ, với khối lượng đạt 29.256 tấn, trị giá 50,6 triệu USD. Thị phần của Việt Nam trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Mỹ cũng tăng từ 1,5% của năm 2023 lên 1,7% vào năm 2024.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ đang cho thấy phục hồi sau khi sụt giảm vào năm 2023 và thị phần cũng dần được cải thiện. Tuy nhiên, với vị thế là nước xuất khẩu cao su lớn thứ ba thế giới thì thị phần cao su của Việt Nam tại Mỹ hiện nay vẫn còn tương đối thấp so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, dù giá thành khá cạnh tranh.
Mỹ dự kiến tăng lượng cao su nhập khẩu trong thời gian tới nhờ sản xuất ô tô trong nước cải thiện khi Mỹ tăng thuế suất nhập khẩu ô tô và đa dạng hoá nguồn cung, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cao su từ Canada, Mexico và Trung Quốc (chiếm khoảng 19% lượng nhập khẩu vào Mỹ).
Trong những năm gần đây, diện tích trồng cao su tại các quốc gia sản xuất hàng đầu Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia có xu hướng giảm dần do người dân chuyển đổi cây trồng từ cao su sang các loại cây trồng khác có lợi nhuận cao hơn.
Giá cao su được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, do nguồn cung đang bước vào giai đoạn thấp điểm.
Theo đó, cây cao su thường được khai thác đến tháng 1 hàng năm, sau đó ngừng cạo mủ từ tháng 2 đến tháng 5 để thay lá trước khi vào vụ khai thác mới. Vì vậy, sản lượng mủ chỉ có thể dần được bổ sung trở lại từ tháng 6/2025 trở đi.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 910 nghìn ha với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn/năm.
Đọc bài gốc tại đây.