Mặt hàng này là hồ tiêu.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến cuối tháng 6/2025, cây hồ tiêu ở nước ta đã thu hoạch xong. Theo đó, tổng diện tích hồ tiêu năm nay khoảng 110.600 ha, với ước tính sản lượng đạt 274.100 tấn. Những con số này tương ứng tăng 1.000 ha về diện tích và 11.800 về sản lượng so với năm ngoái.
Sáng 5/7, giá tiêu trên thế giới và trong nước đứng yên. Hiện nay, giá hồ tiêu nội địa đang giao dịch quanh ngưỡng 139.000 – 144.000 đồng/kg.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l giao dịch ở mức 6.240 USD/tấn; trong khi loại 550 g/l có mức 6.370 USD/tấn. Giá hồ tiêu trắng xuất khẩu hiện đang ở mốc 8.950 USD/tấn.
Trước đó, trong những phiên giao dịch gần đây, giá của loại hạt được ví như “vàng đen” này biến động mạnh theo xu hướng tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm nay nay, Việt Nam đã xuất khẩu 124.900 tấn hạt tiêu, thu về 859,6 triệu USD. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 12,4%, nhưng giá trị lại tăng mạnh 35,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng của nước ta qua ước đạt 6.881 USD/tấn, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồ tiêu của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm nay, Mỹ, Đức và Ấn Độ chính là 3 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của nước ta, khi chiếm thị phần lần lượt là 26,8%, 9,2% và 7,7%.
So với cùng kỳ năm 2024, giá trị xuất khẩu “vàng đen” sang Mỹ tăng 34,8%, tăng 73,7% và Ấn Độ tăng 86,7%.
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất ở Anh với mức tăng 2,1 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan, với mức giảm 12,5%.
Nhận định về tình hình trong 6 tháng cuối năm 2025, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu tiêu sang Mỹ sẽ gặp thách thức lớn khi nước này áp thuế nhập khẩu. Hạt tiêu của Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với hàng của Brazil và Indonesia.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cần phải làm gì trong 6 tháng cuối năm?

Mỹ, Đức và Ấn Độ chính là 3 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Ảnh minh họa
Trên thực tế, nhiều nông dân và nhà đầu cơ vẫn giữ hàng, với kỳ vọng giá tiêu sẽ phục hồi tốt hơn vào 6 tháng cuối năm. Theo các chuyên gia, việc tích trữ này là do dự đoán giá tiêu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, từ đó góp phần làm giảm nguồn cung tức thời ở trên thị trường. Mặt khác, trên thị trường thế giới, do đồng USD tăng giá cùng những cuộc xung đột vũ trang ở nhiều nơi leo thang khiến cho các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Hơn nữa, chi phí về logistics bị đẩy lên cao góp phần tạo nên sức ép ngắn hạn tới giá hạt tiêu.
Trước thực trạng trên cùng nhiều biến động trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý rằng, để hoàn thành được mục tiêu kê hoạch xuất khẩu hạt tiêu trong năm 2025 ước đạt 1,35 tỷ USD, các doanh nghiệp nước ta cần phải tận dụng mọi cơ hội để giao hàng, đồng thời tránh ùn ứ hàng với các hợp đồng đã ký từ năm ngoái.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động mở rộng thị trường sang các nước ở châu Âu, châu Á và Trung Đông, tránh việc phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các doanh nghiệp nên quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội vùng nguyên liệu, cũng như có giải pháp giữ vững vùng trồng và sản lượng hạt tiêu.

Việt Nam hiện chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu. Ảnh minh họa
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD, với sản lượng 200.000 tấn từ 110.500 ha. Năng suất trung bình là 26 tạ/ha, gấp đôi mức trung bình thế giới (12,7 tạ/ha). Mặc dù diện tích chỉ bằng 15% cà phê và 12% cao su nhưng hồ tiêu đóng góp 23% giá trị xuất khẩu cà phê (5,6 tỷ USD) và 38% giá trị cao su (3,4 tỷ USD). Theo các chuyên gia, với vị thế chiếm 40% sản lượng và 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là nhà cung ứng lớn trong ngành gia vị, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển tiếp theo.
Theo các chuyên gia, ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay đang chuyển mình theo hướng bền vững. Định hướng đến năm 2030, diện tích hồ tiêu được điều chỉnh còn 80.000-100.000 ha, với năng suất duy trì 24-25 tạ/ha, sản lượng ổn định từ 200.000-230.000 tấn.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, nhu cầu gia vị tự nhiên và hữu cơ trên thế giới tăng cao là cơ hội để Việt Nam gia tăng giá trị nội địa. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi quản trị rủi ro chặt chẽ trước biến động khí hậu và thương mại.
Đọc bài gốc tại đây.