Nội dung chính
Thực chất “xe cũ 0km” là gì?
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề nhức nhối: hiện tượng “xe cũ 0 km” – những chiếc xe mới tinh được đăng ký và bán như xe đã qua sử dụng với giá rẻ.
“Xe cũ 0 km” không phải là một khái niệm mới.
Kể từ khi mô hình đại lý kinh doanh ô tô được du nhập vào thị trường trong nước từ những năm 1990, các nhà sản xuất và đại lý ô tô thường bán ra một số xe mới chưa bán được với giá thấp hơn giá thị trường thông thường để giải phóng hàng tồn kho.
“Xe cũ 0 km” hay còn được gọi “xe cũ nhưng chưa chạy” đề cập đến những chiếc ô tô mới được đăng ký nhưng chưa từng được sử dụng thực tế.
Những xe này thường được bán lại qua các sàn giao dịch xe cũ dưới danh nghĩa “đã qua sử dụng” dù thực tế chúng gần như mới hoàn toàn.

Việc đăng ký xe mới nhưng không đưa vào sử dụng giúp các hãng báo cáo doanh số “ảo” gây hiểu nhầm về nhu cầu thị trường.
Theo các chuyên gia, chiêu trò này là hệ quả của tình trạng dư thừa công suất sản xuất và cạnh tranh giá khốc liệt giữa các hãng xe.
Tính đến tháng 4/2024, lượng xe tồn kho tại Trung Quốc đạt 3,5 triệu chiếc – tương đương 57 ngày lưu kho, mức cao nhất từ tháng 12/2023.
Hàng loạt hãng xe Trung Quốc bị triệu tập
Thực trạng “Xe cũ 0 km” này đang khiến các nhà chức trách lo ngại về tính minh bạch và sự bền vững của thị trường.
Để giải quyết, Bộ Thương mại Trung Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn vào chiều 27/5 với các ông lớn ngành xe như BYD, Dongfeng Motor, cùng các hiệp hội và nền tảng mua bán xe trực tuyến.

Công ty BYD của tỷ phú Vương Truyền Phúc bị nghi ngờ đã sử dụng hiện tượng “xe cũ 0 km” để thúc đẩy số liệu hàng tháng
Cuộc họp diễn ra sau khi ông Ngụy Kiến Quân, Chủ tịch Tập đoàn Great Wall Motor, tiết lộ tình trạng này trong một cuộc phỏng vấn với Sina Finance .
Ông Ngụy nhận định, đây là hệ quả của cuộc chiến giá cả kéo dài trong ngành ô tô, đặc biệt là xe điện. Ông ví von: “Evergrande của ngành ô tô đã tồn tại, nhưng chưa sụp đổ”, ám chỉ cuộc khủng hoảng của ngành xe điện hiện nay tương tự vụ bê bối của tập đoàn bất động sản Evergrande. Ước tính có tới 3.000-4.000 cửa hàng xe cũ đang tiếp tay cho việc tiêu thụ những chiếc xe “cũ mà mới” này.
Cơ chế của hiện tượng “xe cũ 0 km” khá tinh vi.
“Bán” trên giấy tờ: Các hãng xe ghi nhận doanh số bằng cách “bán” xe cho đại lý hoặc đối tác.
Đăng ký hợp pháp: Xe được đăng ký, giúp nhà sản xuất đạt mục tiêu doanh số và hưởng trợ cấp chính phủ.
Lách luật bán xe cũ: Những chiếc xe này sau đó được đưa vào thị trường xe cũ, rao bán như đã qua sử dụng dù thực chất là xe mới hoàn toàn.
Thoạt nhìn, đây có vẻ là đôi bên cùng có lợi: hãng xe đạt chỉ tiêu, người mua được xe mới giá rẻ. Tuy nhiên, nó đặt ra nhiều dấu hỏi về việc lạm dụng trợ cấp, lỗ hổng pháp lý và sự lành mạnh của thị trường. Một nguồn tin ẩn danh tiết lộ với Reuters rằng đây là “một phương pháp tiềm năng để các nhà sản xuất và đại lý hỗ trợ lượng tiêu thụ xe mới khi họ cố gắng đạt chỉ tiêu táo bạo.”
Cuộc họp của Bộ Thương mại cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ngành xe điện Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn mạnh mẽ, mọi gian lận doanh số đều có thể gây ra hệ lụy tài chính và đạo đức lớn. Nó cũng phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt và mất cân bằng trong ngành, nơi các hãng sẵn sàng dùng mọi cách để giành thị phần.
Tóm lại, “xe cũ 0 km” là lời cảnh báo về những hệ quả không lường trước được khi chạy theo doanh số và tăng trưởng quá độ. Dù mang lại lợi ích trước mắt cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhưng tác động lâu dài đến toàn ngành công nghiệp ô tô là điều không thể xem nhẹ.
Bích Câu – Theo Finance Sina
Đọc bài gốc tại đây.