
Được kỳ vọng là startup tiếp theo của Việt Nam cán mốc kỳ lân tỷ đô, Tiki giờ đây đang chứng kiến một trong những cú rơi định giá gây chấn động nhất trong lịch sử thương mại điện tử Việt Nam. Theo DealStreetAsia, định giá mới nhất của nền tảng thương mại điện tử này hiện đã tụt xuống dưới ngưỡng 10 triệu USD, một con số quá xa so với thời kỳ đỉnh cao gần 1 tỷ USD và mục tiêu IPO từng được đặt ra vào năm 2021.
Tiki được thành lập năm 2010 bởi Trần Ngọc Thái Sơn với số vốn khởi đầu chỉ 5.000 USD. Bắt đầu từ một căn phòng trọ nhỏ tại TP.HCM, nền tảng này chọn sách tiếng Anh làm ngành hàng đầu tiên, nhắm vào nhóm khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận sách ngoại văn. Cam kết hàng chính hãng, giao nhanh và chăm sóc khách hàng tận tình nhanh chóng tạo dựng cho Tiki một tập khách hàng trung thành, chủ yếu là sinh viên và nhân viên văn phòng.
Tên gọi “Tiki”, viết tắt của “Tìm kiếm” và “Tiết kiệm”, phản ánh tham vọng trở thành nền tảng bán lẻ uy tín với mức giá hợp lý. Từ xuất phát điểm là một hiệu sách trực tuyến, Tiki nhanh chóng mở rộng danh mục sang các ngành hàng điện tử, gia dụng, mẹ và bé, mỹ phẩm, thời trang… Khi hệ sinh thái sản phẩm ngày càng hoàn chỉnh, Tiki cũng đẩy mạnh đầu tư vào logistics và công nghệ.
Trong giai đoạn 2014-2019, công ty liên tiếp nhận được vốn đầu tư từ các tổ chức lớn như CyberAgent Ventures, Sumitomo Corporation và JD.com. Đỉnh điểm là vào năm 2021, Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD trong vòng Series E, quy tụ các nhà đầu tư như AIA, UBS, Mirae Asset và Shinhan Financial Group, đẩy định giá tiệm cận mốc 1 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, công ty từng công bố kế hoạch IPO tại Mỹ cho thấy dấu hiệu tham vọng vươn xa khỏi thị trường trong nước.
Giai đoạn 2019-2021 được xem là thời kỳ hoàng kim của Tiki, khi công ty nằm trong nhóm ba sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường, cùng Shopee và Lazada. Tính đến giữa năm 2021, Tiki phục vụ hơn 800.000 khách hàng thường xuyên, phân phối hơn 120.000 sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng. Mặc dù chưa sinh lời, mô hình kinh doanh của Tiki vẫn nhận được sự đánh giá cao từ giới đầu tư trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, thị trường bắt đầu thay đổi nhanh chóng từ sau 2021. Thương mại điện tử không còn là cuộc đua về hàng hóa và vận hành đơn thuần, mà chuyển dần sang mô hình “giải trí hóa” việc mua sắm. TikTok Shop nổi lên với chiến lược nội dung ngắn kết hợp livestream, định hình thói quen tiêu dùng mới. Shopee củng cố vị trí nhờ ưu đãi giá, hệ thống người ảnh hưởng và công nghệ cá nhân hóa. Trong khi đó, Tiki chậm chuyển mình, thiếu công cụ nội dung và gắn kết người dùng, dẫn đến đà tụt dốc kéo dài đến hiện tại.
Sự sụt giảm này không đến bất ngờ, mà là kết quả của quá trình mất dần thị phần kéo dài suốt quãng thời gian từ 2021 cho đến nay. Trong khi các đối thủ như Shopee và TikTok Shop vẫn duy trì được đà tăng trưởng, Tiki lại rơi vào giai đoạn suy giảm sâu. Dữ liệu từ YouNet ECI cho thấy tổng giá trị giao dịch (GMV) của Tiki trong quý I/2025 đã lao dốc tới 57% so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn các ngành hàng trên sàn đều ghi nhận mức sụt giảm hai chữ số. Nhiều nhóm ngành giảm hơn 50% về GMV. Ngay cả các ngành hàng truyền thống vốn được xem là thế mạnh của Tiki như mẹ và bé, công nghệ và điện gia dụng cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 29,3%, 24,2% và 69,9%.
Trước đó, báo cáo tổng kết năm 2024 của YouNet ECI cho thấy thị phần của Tiki chỉ còn 0,9%, quá nhỏ so với các đối thủ như Shopee (66,7%), TikTok Shop (26,9%) và Lazada (5,5%). Bước sang năm 2025, đà suy yếu của Tiki tiếp tục kéo dài.
Ngàoi ra, theo Metric, doanh số của nền tảng này trong quý I/2025 giảm tới 66,6%, mức giảm mạnh nhất trong số các nền tảng lớn, khiến thị phần không còn được hiển thị rõ trên biểu đồ tỷ trọng thị trường.
Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang mở rộng mạnh mẽ, với tổng doanh số quý I/2025 đạt 101.400 tỷ đồng (tăng 42,29% so với cùng kỳ), sản lượng tiêu thụ đạt 950,7 triệu sản phẩm (tăng 24%), cú lao dốc của Tiki càng cho thấy nền tảng này đang hụt hơi trong cuộc đua. Việc chưa kịp thích nghi với những xu hướng tiêu dùng mới như ưu tiên nội dung, giải trí và trải nghiệm cá nhân hóa có thể là một trong những nguyên nhân khiến Tiki ngày càng tụt lại phía sau.
Đọc bài gốc tại đây.