Nội dung chính
Người tham gia BHXH tự nguyện được đổi mức thu nhập và phương thức đóng linh hoạt
Từ 1/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện có thể linh hoạt lựa chọn, thay đổi mức thu nhập và phương thức đóng, theo quy định mới tại Nghị định 159/2025/NĐ-CP.
Theo Điều 4 Nghị định 159, người tham gia BHXH tự nguyện có thể tăng hoặc giảm mức thu nhập làm căn cứ đóng bằng cách nộp tờ khai điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Việc thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện sau khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã hoàn thành xong phương thức đóng, mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đã chọn trước đó.
Căn cứ Điều 6, Điều 8 Nghị định 159 người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, có thể chọn:
Đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần;
Đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm);
Đóng một lần cho những năm còn thiếu nếu đủ điều kiện về tuổi.
Trước 01/7/2025, theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP chưa quy định rõ về nộp tờ khai khi có nhu cầu thay đổi mức đóng.
Được hoàn trả tiền BHXH tự nguyện nếu chuyển sang BHXH bắt buộc hoặc nghỉ hưu
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 159/2025/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:
– Thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
– Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội;
– Chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết;
– Đủ điều kiện và có đề nghị được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 hoặc khoản 9 Điều 141 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nghị định 134/2015/NĐ-CP trước đó không quy định rõ nội dung hoàn trả khi chuyển hình thức BHXH hoặc nghỉ hưu sớm. Dẫn đến trường hợp người dân phải làm nhiều thủ tục để xin bảo lưu hoặc tính lại.
Từ 1/7/2025, người không đủ điều kiện nhận lương hưu vẫn được trợ cấp hằng tháng
Theo quy định mới, người không đủ điều kiện nhận lương hưu nhưng đã đủ 15 năm đóng BHXH, sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng, thay vì chỉ được nhận BHXH một lần như trước.
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 159/2025/NĐ-CP về chế độ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
– Đối tượng áp dụng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.
– Điều kiện hưởng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có đề nghị được hưởng trợ cấp hằng tháng.
– Thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và đủ điều kiện theo quy định khoản 2 Điều này được xác định theo thời gian đóng, mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc mức bình quân tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Nghị định 134/2015/NĐ-CP chỉ quy định điều kiện hưởng lương hưu, không có lựa chọn “trợ cấp hằng tháng” nếu chưa đủ tuổi hoặc không đóng tiếp. Người không đủ điều kiện chỉ có thể rút BHXH một lần hoặc chờ đủ tuổi rất lâu.
Đọc bài gốc tại đây.