Trang chủ Kinh doanhTài chính - Đầu tư Sau Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh,… “đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài có kế hoạch mở chuỗi mới?

Sau Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh,… “đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài có kế hoạch mở chuỗi mới?

bởi Admin
0 Lượt xem

Trong lĩnh vực bán lẻ, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) của ông Nguyễn Đức Tài là một “đế chế” với danh mục ngành hàng trải rộng từ điện thoại, điện máy đến hàng tiêu dùng nhanh, thậm chí cả dược phẩm. Hàng tháng, toàn hệ thống của MWG tạo ra hơn chục nghìn tỷ đồng doanh thu.

Từ cửa hàng đầu tiên trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM vào năm 2004, MWG đã vươn lên trở thành “ông trùm” trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị di động, điện máy với thị phần hiện chiếm khoảng 50-60%. Năm ngoái, 2 chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) đóng góp cho MWG gần 90.000 tỷ doanh thu.

Riêng trong quý đầu năm 2025, lĩnh vực bán lẻ thiết bị di động, điện máy mang về cho “đế chế” của ông Nguyễn Đức Tài gần 1 tỷ USD doanh thu. Đến cuối quý 1/2025, MWG có tổng cộng 1.017 cửa hàng TGDĐ (bao gồm Topzone) và 2.027 cửa hàng ĐMX (bao gồm ĐMS), trải khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Ngay trong giai đoạn bùng nổ của thiết bị di động, điện máy, MWG đã bắt đầu nghĩ đến lĩnh vực mới là hàng tiêu dùng nhanh, thiết yếu với sự ra đời của Bách Hóa Xanh (BHX) năm 2014. Trải qua nhiều năm cùng những lần tái cấu trúc, chuỗi bán lẻ thực phẩm của MWG cuối cùng cũng hoà vốn cấp độ công ty từ năm ngoái cùng mức doanh thu khủng 41.000 tỷ đồng.

Sau khi có lãi, BHX tiếp tục chiến lược mở rộng, tiến ra miền trung. Chuỗi mở thêm ồ ạt 232 cửa hàng trong quý đầu năm nay. CEO BHX Phạm Văn Trọng cho biết, chi phí cho các cửa hàng mới thấp hơn 30% so với cửa hàng cũ và chỉ cần doanh thu khoảng 1,2-1,5 tỷ là đạt điểm hoà vốn. Đến cuối quý 1/2025, BHX có 2.002 của hàng, chủ yếu tập trung tại khu vực phía nam.

Đến năm 2017, MWG tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực mới khi mua lại nhà thuốc Phúc An Khang và đổi tên thành An Khang. Tuy nhiên, đây là một hướng đi còn dang dở với MWG. Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp bán lẻ này đã dừng mở rộng chuỗi nhà thuốc để tái cấu trúc. Đến cuối quý 1/2025, MWG còn 326 cửa hàng An Khang có sức khoẻ tốt với doanh thu trên 550 triệu/tháng.

Cũng trong năm 2022, khi đang tái cấu trúc BHX, An Khang và thi trường thiết bị di động, điện máy bắt đầu có dấu hiệu bão hoà, MWG đã có một nước đi táo bạo khi mang mô hình ĐMX sang Indonesia với liên doanh Erablue. Thực tế, đây không phải lần đầu xuất ngoại của MWG. Trước đó, doanh nghiệp này đã thất bại với thử nghiệm Bluetronics tại Campuchia.

MWG sửa sai nhanh chóng bằng cách tập trung phát triển chuỗi Erablue tại thị trường hơn 300 triệu dân và nhanh chóng thành công. Erablue hiện đã có lãi và đang hướng đến mục tiêu có 500 cửa hàng cùng doanh thu lũy kế đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2027. Chuỗi điện máy quyết tâm trở thành nhà bán lẻ lớn nhất tại Indonesia cả về quy mô và doanh thu.

Nhìn lại hành trình đã qua, có thể thấy MWG là một cỗ máy bán lẻ không ngừng đổi mới. Vì thế, không bất ngờ khi tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, cổ đông lại đặt câu hỏi về định hướng mới của doanh nghiệp. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài cho biết MWG có dự định nhưng chưa thể chia sẻ. “Có thể là một ngành hàng mới, cũng có thể là một chuỗi mới”, Chủ tịch MWG úp mở.

Với tham vọng trở thành tập đoàn bán lẻ số 1 Đông Nam Á trong chiến lược trung, dài hạn được đề cập tại báo cáo thường niên 2023, không loại trừ khả năng MWG sẽ có thêm “quân bài tẩy”. Trong khi chờ động thái mới, doanh nghiệp bán lẻ này sẽ tiếp tục mô hình phát triển tập trung vào chất mà theo ông Nguyễn Đức Tài đánh giá là không có giới hạn.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan