Trang chủ Kinh doanhTài chính - Đầu tư Sau sáp nhập, tăng trưởng GRDP của 6 thành phố trực thuộc Trung ương trong nửa đầu năm có gì đáng chú ý?

Sau sáp nhập, tăng trưởng GRDP của 6 thành phố trực thuộc Trung ương trong nửa đầu năm có gì đáng chú ý?

bởi Admin
0 Lượt xem
- Ảnh 1.

Hà Nội

Theo Chi cục Thống kê Thành phố Hà Nội, tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của Thành phố ước tính tăng 7,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,56%; quý II tăng 7,69%). Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (6,13%) và cao hơn kịch bản xây dựng đầu năm (7,59%) là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2025 là trụ đỡ của nền kinh tế, giá trị tăng thêm ước tính tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 8,57%; quý II tăng 8,28%), đóng góp 5,76 điểm % vào mức tăng GRDP.

Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2025 theo giá hiện hành: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,42%; khu vực dịch vụ chiếm 68,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tương ứng là: 2,18%; 20,3%; 66,91% và 10,61%).

Hải Phòng

Từ ngày 1/7/2025, sau hợp nhất, thành phố Hải Phòng có diện tích gần 3.200 km2, dân số hơn 4,6 triệu người, quy mô kinh tế đứng thứ 3 cả nước.

Theo số liệu mới nhất của Chi cục Thống kê Hải Phòng, năm 2025 là một năm đặc biệt quan trọng đối với Hải Phòng, đánh dấu giai đoạn cuối của kế hoạch 5 năm 2021-2025 và là thời điểm thành phố thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp – một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển.

Theo đó, Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) thành phố Hải Phòng (mới) 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 11,20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 12,84%; nhóm dịch vụ tăng 9,89%; nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 4,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,95%.

Trong đó, GRDP thành phố Hải Phòng ước tăng 11,04% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,24%, đóng góp 6,68 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 10,26%, đóng góp 3,79 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,16%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm.

GRDP tỉnh Hải Dương ước tăng 11,59% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,65%, đóng góp 0,72 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,26%, đóng góp 7,8 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,62%, đóng góp 2,16 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,65%, đóng góp 0,90 điểm phần trăm.

TP.HCM

Từ ngày 1/7/2025, hợp nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Theo báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM (cũ) ước tính tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực dịch vụ góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58% và chiếm 66,3% cơ cấu GRDP.

Tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Dương (cũ) 6 tháng đầu năm đạt 8,3%, thu ngân sách ước 44.800 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.231 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 31,4%.

Tăng trưởng GRDP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,61%, thu ngân sách ước 48.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.300 tỷ đồng, đạt 39% vốn.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, GRDP TP.HCM (mới) tăng trưởng ước đạt 7,4%.

Đà Nẵng

Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Quảng Nam sáp nhập với thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay. Theo Chi cục Thống kê Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng (mới) ghi nhận mức tăng trưởng GRDP 9,43%, đứng thứ 8/34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập.

Trong đó, tăng trưởng GRDP Đà Nẵng (cũ) trong 6 tháng năm 2025 đạt 11,7%. Trong khi đó Quảng Nam (cũ) tăng trưởng 6,63%, đóng góp vào sự ổn định và nền tảng sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp của khu vực.

Sau đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ 8,78% trong quý I/2025, nền kinh tế Đà Nẵng (mới) tiếp tục duy trì tốc độ phát triển tích cực trong quý II đạt mức 9,99%, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm lạc quan.

Theo phân tích của cơ quan thống kê, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phục hồi đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò đầu tàu với mức tăng 6 tháng đạt 13,19%.

Khu vực dịch vụ, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế thành phố, tăng trưởng giá trị tăng thêm 6 tháng đầu năm ước đạt 10,37%. Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng tăng cao đã thúc đẩy tiêu dùng và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,44%.

Cần Thơ

Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

Trong đó, Ước tính 6 tháng đầu năm 2025, GRDP Hậu Giang (cũ) theo giá so sánh 2010 đạt 16.892 tỷ đồng, tăng 9,88% so với cùng kỳ. Về cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế so với cùng kỳ, cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 19,17%, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 38,79%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 35,04% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,00% (cơ cấu tương ứng cùng kỳ lần lượt là 20,93%; 37,90%; 33,93%; 7,25%).

Báo cáo của Chi cục Thống kê Thành phố Cần Thơ cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế của Thành phố Cần Thơ ước đạt 7,87%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (cả nước đạt 7,52%). Bao gồm: khu vực I nông, lâm, thủy sản tăng 2,8%; khu vực II công nghiệp, xây dựng tăng 9,58%; khu vực III dịch vụ tăng 9,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,31%…

Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 19,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,49%; khu vực dịch vụ chiếm 45,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,74%…

Thành phố Huế

Theo số liệu của Cục Thống kê đã công bố, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 9,39% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 6,35%), xếp thứ 9/34 tỉnh/thành cả nước và xếp thứ 3 trong Vùng (sau thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi).

Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tăng 9,43% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 7,14%), chiếm 51,4% trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, ngành du lịch trở thành động lực tăng trưởng gắn với việc tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, lễ hội của Năm Du lịch quốc gia gắn với Festival Huế 2025; các dịch vụ khác như: bán buôn, bán lẻ hàng hóa; vận tải, kho bãi, tiêu dùng, thương mại; dịch vụ về y tế, giáo dục,…tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ.

Khu vực công nghiệp – xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, tăng 12,72% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 5,77%), chiếm 29,3% trong cơ cấu kinh tế; trong đó, khu vực công nghiệp ước tăng mạnh nhờ có một số dự án tạo năng lực mới đi vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng: Dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1), Kanglongda (giai đoạn 1), …

Khu vực nông lâm ngư nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định, tăng 1,3% (thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2,99%), chiếm 10,6% trong cơ cấu kinh tế; do ảnh hưởng của thời tiết mưa rét đầu vụ, các đợt không khí lạnh giữa vụ và ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 1 đã làm giảm năng suất lúa và tổng sản lượng lương thực có hạt.

Khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,58% (thấp hơn mức tăng cùng kỳ 8,32%); trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 660 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan