Đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng tại khu vực 7 ước đạt hơn 561.000 tỷ đồng
Thông tin tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng đầu năm đã bước đầu đạt kết quả tích cực. Theo đó, mặc dù theo quy luật của các năm trước, tín dụng thường giảm trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên đán, nhưng tăng trưởng đầu năm 2025 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ 2024.
Cụ thể, đến cuối tháng 3, tín dụng toàn hệ thống đã tăng được khoảng 2,5% so với cuối 2024 (trong khi cùng kỳ 2024 chỉ tăng trưởng được khoảng 0,26%).
Cũng theo ông Dũng, hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng trên thị trường 1 hiện nay đạt 103%, cho thấy các tổ chức ứng dụng đã sử dụng tối đa nguồn vốn để cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu tại Hội nghị
Đối với Khu vực 7 (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa), ông Dũng cho biết đây là các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc hành lang kinh tế Bắc – Nam, có vị trí chiến lược nằm trên trục giao thông quan trọng nối miền Bắc và miền Trung, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế.
Đây là khu vực có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng. Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ của các TCTD tại Khu vực 7 ước đạt hơn 561 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ tín dụng toàn quốc.
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn quốc năm 2025 là 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 4 tỉnh của Khu vực từ 10,5%-12% đòi hỏi toàn ngành ngân hàng nói chung và tại Khu vực 7 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.
“Đây là một thách thức cần sự nỗ lực vào cuộc của cả ngành Ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, DN và sự hỗ trợ tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các địa phương”, Phó Thống đốc cho biết.
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đều đánh giá cao vai trò của vốn tín dụng, đồng thời phản ánh một số vướng mắc khó khăn, nhất là liên quan đến tài sản bảo đảm, mong muốn tiếp cận được các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi phù hợp để phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Lê Văn Phương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, ngành mía đường đang đối mặt với nhiêu thách thức, từ biến động giá cả, biến đổi khí hậu đến chi phí sản xuất ngày càng tăng. Do đó, vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nông dân là vô cùng quan trọng.
Để có thêm nguồn lực hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Phương kiến nghị với NHNN và các ngân hàng thương mại như hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, thông qua triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt theo mùa vụ bởi ngành mía đường có tính chu kỳ rõ rệt, thường xuyên cần nguồn vốn lớn vào đầu vụ để đầu tư phân bón, giống mía, chăm sóc và thu hoạch.
Ngoài ra, tăng cường các chương trình tín dụng đặc thù, mang tính dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chế biến sâu, đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng sản xuất.
“Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân và ngân hàng là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Lan – Chủ tịch CTCP Lương thực Hà Nam cũng cho biết, trong thời gian qua, các ngân hàng đã luôn tạo điều kiện thuận lợi, từ hạ lãi suất trong giai đoạn khó khăn đến thủ tục vay nhanh chóng, để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Với bối cảnh hiện nay, bà Lan đề nghị các ngân hàng tiếp tục duy trì các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như thời gian vay. Đồng thời, tiếp tục nâng cao việc sử dụng công nghệ số trong hoạt động cấp tín dụng, áp dụng là công nghệ mã hóa dữ liệu, công nghệ AI để bảo mật giao dịch và thông tin khách hàng, góp phần nâng cao tính minh bạch, giảm nguy cơ giả mạo và tối ưu hóa quy trình xử lý tín dụng, nâng cao hơn nữa những tiện ích trong các giao dịch giữa ngân hàng và doanh nghiệp,…

Toàn cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, đại diện nhiều TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn đã báo cáo tình hình hoạt động hiện tại và các đề xuất khuyến nghị với NHNN Khu vực 7, với chính quyền các địa phương và với NHNN liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc cụ thể để hỗ trợ đẩy mạnh tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Hồ Văn Tuấn cho biết, đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ các khách hàng tại khu vực của Vietcombank đạt 47.300 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế Khu vực 7, Vietcombank đã và đang nỗ lực huy động các nguồn vốn giá rẻ từ khu vực khác để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong khu vực.
Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức tối đa. Đây là chỉ tiêu trọng yếu bên cạnh chỉ tiêu về kiểm soát chất lượng tín dụng theo định hướng an toàn, hiệu quả. Vietcombank đã tập trung tăng trưởng tín dụng ngay trong quý 1/2025, đến hết ngày 31/3 tăng trưởng đạt 4,7%.
Riêng về các chương trình, chính sách giảm lãi suất, ngay từ đầu năm Vietcombank đã triển khai đồng thời 16 chương trình cho vay lãi suất thấp cho cả khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5% tới 2% so với lãi suất bình quân.
Ngành ngân hàng triển khai đồng bộ giải pháp tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực
Phát biểu tại Hội nghị, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đều đánh giá cao những nỗ lực của Ngành ngân hàng trong thời gian qua, đã đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của địa phương.
Lãnh đạo các tỉnh cũng mong muốn ngành Ngân hàng nói chung, NHNN Khu vực 7 nói riêng tiếp tục có những hỗ trợ, đóng góp tích cực cho các địa phương trong nỗ lực đạt được các mục tiêu tăng trưởng GRDP rất cao trong năm nay.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đã thông tin về các giải pháp có liên quan mà ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng như: Thường xuyên quan tâm, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng; Điều hành các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Linh hoạt và đổi mới điều hành tăng trưởng tín dụng, tạo sự chủ động cho các TCTD trong hoạt động tín dụng; Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; Tích cực đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.
Trên cơ sở ghi nhận các ý kiến thực tế từ các nội dung phát biểu, Phó Thống đốc đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể đối với NHNN Khu vực 7 và đối với các TCTD trên địa bàn.
Trong đó đối với các TCTD, Phó Thống đốc đề nghị thực hiện các giải pháp để tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vào các lĩnh vực thế mạnh của từng địa phương; đồng thời kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các chương trình chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chương trình cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn đi đôi với việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhưng không đồng nghĩa với việc nới lỏng điều kiện tín dụng.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tăng cường trách nhiệm xã hội, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay.
Đối với NHNN Khu vực 7, Phó Thống đốc chỉ đạo tiếp tục định hướng các tổ chức dụng trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tín dụng phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn trên tinh thần bám sát các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong khu vực.
Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên làm việc với Hiệp hội, ngân hàng, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn để nắm bắt, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, của người dân trên địa bàn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng ứng dụng, phòng ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh và xử lý tích cực thu hồi nợ xấu.
Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, NHNN cũng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đọc bài gốc tại đây.