Lô 15-1 thuộc bể Cửu Long. Đây là một trong những vùng có tiềm năng cao nhất về trữ lượng dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 62km với mực nước sâu 56m. Lô 15-1 là một trong những trụ cột chiến lược của ngành Dầu khí Việt Nam, với những đóng góp ấn tượng cả về sản lượng khai thác lẫn hiệu quả kinh tế.
Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) Lô 15-1 có hiệu lực từ ngày 16/9/1998, với sự tham gia của Tổ hợp nhà thầu (PVEP, Perenco, KNOC, SK, Geopetrol) và Người điều hành là Cửu Long JOC. Tính đến năm 2024, tổng sản lượng khai thác đạt 426,56 triệu thùng dầu và 216,76 tỷ bộ khối khí thương phẩm, mang về hơn 30 tỷ USD doanh thu cho các bên tham gia và đóng góp trên 13 tỷ USD vào ngân sách nhà nước.

Bể Cửu Long bao gồm các mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen Đông Bắc, Sư Tử Vàng Đông Bắc, Sư Tử Nâu và Sư Tử Trắng.
Mỏ Sư Tử Đen là mỏ được phát hiện đầu tiên và công bố thương mại vào năm 2001, bắt đầu khai thác năm 2003, Sư Tử Vàng năm 2008, Sư Tử Nâu năm 2014.
Trong lô này, mỏ Sư Tử Trắng là mỏ khí có tầm chiến lược quan trọng. Mỏ Sư Tử Trắng là mỏ khí và condensate lớn thuộc lô 15-1, nằm phía Đông Nam của cụm mỏ Sư Tử, thuộc vùng biển Việt Nam. Mỏ khí và condensate Sư Tử Trắng bắt đầu khai thác thử vào quý 4/2012 và khai thác giai đoạn 1 từ quý 4/2016.
Dự án mỏ Sư Tử Trắng, Lô 15-1 do Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) phát triển. Công ty được thành lập theo Hợp đồng dầu khí Lô 15-1 thuộc thềm lục địa Việt Nam, ký ngày 16/9/1998.
Phía Việt Nam tham gia 50% vốn góp, gồm PVN và Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP). Phía nước ngoài tham gia 50% vốn góp, gồm Tập đoàn Dầu khí ConocoPhillips (23,25%), Tổng Công ty dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC-14,25%), Tập đoàn SK Corporation (9%), Công ty Geopetrol Vietnam (3,5%).

Kỹ sư PVEP bảo trì đường ống cụm mỏ Sư Tử Trắng
Theo thông tin từ Tạp chí Năng lượng Việt Nam, mỏ Sư Tử Trắng ở giai đoạn 1, mỏ có sản lượng khí bình quân tương đương 1,7 triệu m3/năm hay 600 triệu m3 khí/năm. PV GAS phụ trách khâu vận chuyển khí từ mỏ Sư Tử Trắng đưa về khu vực mỏ Bạch Hổ rồi về bờ theo đường ống Bạch Hổ. Khí từ mỏ Sư tử Trắng được xử lý tại Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố thành LPG và condensate, chuyển đi cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Kế hoạch phát triển mỏ Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/12/2019 với việc khoan bổ sung 3 giếng khai thác (trong đó 2 giếng chắc chắn và 1 giếng dự phòng) với tổng mức đầu tư CAPEX gần 138 triệu USD, trữ lượng thu hồi dự kiến đến hết tháng 9/2025 là 63 triệu thùng condensate và 193 tỷ bộ khối khí.
Giếng khoan của Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2A là giếng khoan có điều kiện nhiệt độ cao, áp suất tương đối lớn, có sự sụt giảm áp suất cao nên quá trình thi công khoan và hoàn thiện giếng thực sự rất khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, Cửu Long JOC và các đối tác đã hoàn thành thi công giếng khoan, khai thác dòng khí đầu tiên vào tháng 6/2021 giai đoạn 2A theo đúng kế hoạch đã cam kết trong hợp đồng mua bán khí và kế hoạch phát triển mỏ.
Từ những thành công của giai đoạn 2A, mới đây, Petrovietnam/PVEP đã ký Thỏa thuận khung (HOA) dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B. Theo đánh giá của ông Lê Ngọc Sơn – Tổng Giám đốc Petrovietnam, dự án Phát triển mỏ Sư Tử Trắng pha 2B thuộc Lô 15-1 mang ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo nguồn cung khí cho khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt trong bối cảnh sản lượng từ các mỏ hiện hữu đang giảm sút đáng kể.
Dự kiến, dự án này sẽ đón dòng khí đầu tiên vào quý 3/2026, cung cấp khoảng 17,05 tỷ m3 khí và 74 triệu thùng dầu và condensate.
Đọc bài gốc tại đây.