Theo kết quả vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố, qua 8 năm triển khai Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc) đã hoàn thành được bản đồ địa chất – khoáng sản trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc.
Kết quả nổi bật của đề án này là việc phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng.

Phát hiện 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn ở Tây Bắc. Ảnh minh họa: IT.
Ông Trần Bình Trọng – Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản – khẳng định, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao, thậm chí vượt 200% mục tiêu được phê duyệt. Đề án Tây Bắc là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài.
Qua quá trình triển khai, các đơn vị thực hiện Đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081 km²; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000m, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng – một tỷ lệ rất cao.
Một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ – vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.
Đáng chú ý, trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Có 5 mỏ đồng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 13.000 tấn đồng kim loại. Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện khoáng sản đi kèm có vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420 kg vàng.
Ông Trần Bình Trọng cho biết: “Trong 110 mỏ khoáng sản mới được phát hiện, 62 diện tích khoáng sản tiềm năng đã được chuyển giao để tích hợp vào Quy hoạch thăm dò khoáng sản quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050″.
Kết quả đạt được không chỉ cung cấp những dữ liệu khoa học quý báu mà còn là nền tảng để thúc đẩy đầu tư và phát triển bền vững vùng Tây Bắc – một khu vực chiến lược của đất nước. Với những thành tựu đã ghi nhận, Dự án Tây Bắc hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước trong tương lai.
Trong thời gian tới, ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao dữ liệu để các địa phương khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên; tiếp tục điều tra chuyên sâu vào các khu vực khoáng sản ẩn sâu và bổ sung điều tra theo chỉ đạo của bộ; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và đào tạo cán bộ địa phương trong sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất – khoáng sản đã bàn giao.
Đề án Tây Bắc là đề án điều tra tổng thể tiềm năng khoáng sản, tài nguyên địa chất, đo vẽ hoàn thiện bản đồ địa chất khoáng sản, tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Đề án Tây Bắc được chia thành nhóm các đề án thành phần gồm: Nhóm lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; nhóm các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản; nhóm các đề án khác và nhiệm vụ tổng hợp với tổng số là 26 đề án thành phần.
Phạm vi thực hiện của Đề án Tây Bắc gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 109.250km, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Theo ông Trần Quý Kiên – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường – đánh giá, Đề án Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.
Đọc bài gốc tại đây.