Theo Reuters, các nhà địa chất học Kazakhstan vừa thông báo phát hiện một mỏ đất hiếm với trữ lượng ước tính hơn 20 triệu tấn, nằm ở độ sâu 300m.
Kazakhstan hiện nay không nằm trong danh sách các nước sản xuất đất hiếm của Cục Khảo sát địa chất Mỹ. Nếu được xác nhận, phát hiện sẽ giúp quốc gia Trung Á xếp ở vị trí hàng đầu chỉ sau Trung Quốc và Brazil về trữ lượng đất hiếm.

Kazakhstan phát hiện mỏ đất hiếm 20 triệu tấn
Thông báo của Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan cho biết, khu mỏ nằm ở vùng Zhana Kazakhstan cách thủ đô nước này 421km, chứa lượng lớn neodymium, cerium, lanthanum, và yttrium, những nguyên tố chủ chốt dùng trong một loạt ứng dụng công nghệ cao, bao gồm xe điện, turbine gió và điện tử tiêu dùng.
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan, mật độ kim loại đất hiếm trung bình ở khu vực vào khoảng 700 gram/tấn.
Ngoài thành phần và quy mô ước tính của mỏ đất hiếm, nhà chức trách Kazakhstan không tiết lộ những thông tin chủ chốt liên quan tới phát triển khu mỏ như công ty có thể tham gia khai thác và xử lý đất hiếm hay mốc thời gian hoạt động khai khoáng.
Phát hiện này được công bố vào thời gian mấu chốt khi nhu cầu đất hiếm trên toàn cầu tiếp tục tăng vọt do sự chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch và sự xuất hiện của những công nghệ tiên tiến.
Hiện nay, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng. Theo đó, phát hiện nguồn đất hiếm lớn mới ở Kazakhstan có thể phong phú hóa thị trường và giảm sản xuất vào một nhà sản xuất chi phối.
Tuy nhiên, phát triển khu mỏ ở Zhana Kazakhstan cũng đặt ra nhiều thách thức. Khai thác đất hiếm có nhiều tác động tới môi trường. Việc thiết lập hoạt động khai thác bền vững rất quan trọng nhằm đảm bảo tính sự tồn tại về lâu dài của dự án.
Các nhà chức trách Kazakhstan sẽ cần tiến hành thêm khảo sát địa chất nghiên cứu tính khả thi trước khi bắt đầu khai thác khu mỏ.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã công bố phát hiện một mỏ đất hiếm lớn tại tỉnh Vân Nam với trữ lượng tiềm năng lên tới 1,15 triệu tấn.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), phát hiện mới làm tăng thêm danh mục mỏ khoáng sản đất hiếm vốn đã rất ấn tượng của Trung Quốc, hiện bao gồm 17 oxit kim loại với trữ lượng 44 triệu tấn. Năm ngoái, xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc tăng 6%, đạt mức 55.431 tấn.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm trữ lượng khoảng 22 triệu tấn. Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.
Đọc bài gốc tại đây.