Trang chủ Kinh doanhKinh tế quốc tế Những vụ bê bối sữa giả gây ám ảnh suốt 7 thập kỷ: Hàng loạt trẻ tử vong, ảnh hưởng trí tuệ, các giám đốc lĩnh án tử hình

Những vụ bê bối sữa giả gây ám ảnh suốt 7 thập kỷ: Hàng loạt trẻ tử vong, ảnh hưởng trí tuệ, các giám đốc lĩnh án tử hình

bởi Admin
0 Lượt xem

Vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã triệt phá đường dây sản xuất sữa giả khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Theo đó, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã đưa ra thị trường tới 573 nhãn sữa bột giả, nhắm đến các nhóm đối tượng như người suy thận, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người bị tiểu đường…

Không chỉ ở Việt Nam, không ít vụ bê bối sữa giả trong nhiều thập kỷ qua đã gây chấn động dư luận quốc tế, với nhiều trường hợp trẻ nhập viện và tử vong.

Sữa bột nhiễm melamine ở Trung Quốc

Năm 2008, giới chức Trung Quốc phanh phui sữa bột hiệu Tam Lộc nhiễm melamine do tập đoàn Sanlu sản xuất, ảnh hưởng đến 300.000 trẻ em. Trong đó, hàng loạt trẻ bị sỏi thận và ít nhất 6 trẻ đã thiệt mạng. Đây là một trong những vụ bê bối thực phẩm nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước tỷ dân, từng gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội trong và ngoài nước.

- Ảnh 1.

Sữa bột Sanlu bị tiêu hủy tại một nhà máy thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, tháng 10/2008 – Ảnh: AP

Tại khắp các viện nhi ở Trung Quốc, cha mẹ các bệnh nhân đều nói cho con sử dụng sữa bột này từ khi mới sinh.

Ngày 11/9/2008, người phát ngôn Bộ Y tế Trung Quốc cho biết sẽ điều tra và xử lý nghiêm những người chịu trách nhiệm. Tập đoàn Sanlu sau đó ra thông báo thu hồi sản phẩm, cho biết quá trình tự kiểm tra của công ty phát hiện một số lô sữa bột trẻ em sản xuất trước ngày 6/8/2008 bị nhiễm Melamine và có khoảng 700 tấn trên thị trường.

Melamine là hóa chất được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Hóa chất này chứa nitrogen, khi được thêm vào sữa, nó làm tăng chỉ số protein, khiến sản phẩm trông như có giá trị dinh dưỡng cao hơn thực tế. Tuy nhiên, melamine rất độc hại đối với con người, đặc biệt là trẻ em, vì có thể gây sỏi thận, suy thận cấp và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Trong vụ bê bối sữa Sanlu, hóa chất này đã được pha trộn vào sữa bột với mục đích gian lận và tăng lợi nhuận, gây ra một cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm nghiêm trọng.

Cuộc điều tra sau đó đã chỉ ra rằng Sanlu biết rõ sự việc nhưng che giấu, trì hoãn báo cáo cho chính quyền. Giám đốc Sanlu bị tuyên án chung thân, hai người khác bị xử tử hình.

Dù công ty Sanlu bị tuyên bố phá sản song vụ bê bối đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, gây ra khủng hoảng niềm tin đối với ngành thực phẩm Trung Quốc trên toàn cầu.

Lúc này, nhiều quốc gia và khu vực bắt đầu cấm hoàn toàn hoặc một phần việc bán hoặc nhập khẩu các sản phẩm từ sữa và các sản phẩm liên quan của Trung Quốc (kẹo, cà phê, chocolate). Liên minh châu Âu còn công bố lệnh cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm dành cho trẻ em có chứa thành phần sữa do Trung Quốc sản xuất.

- Ảnh 2.

Hơn 300.000 trẻ em Trung Quốc bị ốm, trong đó hàng ngàn em bị sỏi thận và suy thận cấp, 6 em tử vong do uống sữa nhiễm Melamine – Ảnh: AFP

Ngoài ra, vụ việc đã thúc đẩy Trung Quốc siết chặt quy định về an toàn thực phẩm, tăng hình phạt với gian lận sữa (kể cả án tử hình) nhưng kéo theo trào lưu người tiêu dùng trong nước chuyển sang dùng sữa nhập khẩu, đặc biệt là từ New Zealand, Australia, châu Âu, góp phần làm bùng nổ thị trường sữa ngoại tại quốc gia tỷ dân sau đó.

Trẻ mắc bệnh “đầu to”, tử vong sau khi uống sữa công thức

Năm 2020, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), 5 trẻ em được ghi nhận sụt cân nghiêm trọng, hộp sọ phình to bất thường, mắc bệnh chàm da sau khi uống sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh dị ứng đạm sữa bò. Loại sữa này có giá khoảng 298 NDT (gần 1 triệu đồng), cao gấp 2-3 lần so với sữa công thức thông thường.

“Mặc dù sản phẩm này đắt hơn gấp đôi so với loại thông thường, tôi vẫn tiếp tục cho con sử dụng”, một phụ huynh họ Zhu chia sẻ với truyền thông.

- Ảnh 3.

Một đứa trẻ bị hội chứng đầu to sau khi uống sữa – Ảnh: Đài Truyền hình Kinh tế Hồ Nam

Cô cho biết con gái đã uống hết 89 lon sữa trong vòng 2 năm. Trong thời gian đó, bé thường xuyên bị ho, nổi chàm và tự vỗ đầu. Dù đã 3 tuổi, bé chỉ nặng chưa đến 15kg, tóc ngả vàng. Sau này, bé được chẩn đoán còi xương và thiếu vitamin A, B.

Một phụ huynh khác cũng chia sẻ: con trai chị bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao, trí tuệ, vận động và tổn thương nội tạng ở nhiều mức độ sau thời gian dài chỉ sử dụng loại sữa này.

Sữa Morinaga Nhật Bản nhiễm arsenic

Từ tháng 6/1955, nhiều trẻ em Nhật Bản xuất hiện triệu chứng ngộ độc do sử dụng sữa bột của Morinaga – một thương hiệu lớn lúc bấy giờ. Sau điều tra, chính quyền xác nhận hơn 13.000 trẻ bị nhiễm arsenic – chất độc nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Nguyên nhân chính được xác định là do quy trình sản xuất sữa của Morinaga không kiểm soát tốt, khiến arsenic tồn dư trong sữa bột.

Sự việc gây ra cái chết cho nhiều trẻ, đồng thời để lại hậu quả lâu dài cho những người sống sót, gồm các vấn đề về phát triển trí tuệ, thần kinh, khả năng học tập. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi hoàn toàn. Vụ bê bối làm dấy lên lo ngại về chất lượng thực phẩm và an toàn thực phẩm tại Nhật Bản trong suốt nhiều năm sau đó.

Cuối cùng, Morinaga đối mặt với các vụ kiện lớn. Chính quyền Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp khắt khe hơn đối với các quy định sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc này vẫn là một trong những thảm họa an toàn thực phẩm nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Mãi đến thập niên 2000, nhiều nạn nhân mới được bồi thường.

500 lít sữa giả được tạo ra từ 1 lít hóa chất ở Ấn Độ

Tại Ấn Độ, năm 2024, Ajay Agarwal – một thương nhân ở thành phố Bulandshahr thuộc bang Uttar Pradesh đã bị bắt giữ sau khi tạo ra 500 lít sữa giả từ 1 lít hóa chất. Theo nhà chức trách, Agarwal đã trộn chất tạo ngọt và hương nhân tạo vào hóa chất để làm cho dung dịch này trông giống như sữa thật, trong suốt 20 năm.

Trong quá trình kiểm tra, các quan chức Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ FSSAI đã thu giữ tại kho hàng của Agarwal nhiều loại hóa chất như Kali hydroxit (KOH), bột váng sữa, sorbitol và mỡ đậu nành tinh chế… được sử dụng để tạo ra sữa giả.

- Ảnh 4.

Bê bối tạo ra 500 lít sữa giả từ 1 lít hóa chất tại Ấn Độ bị phát hiện vào tháng 12/2024

Kali hydroxit (KOH) vốn là một hợp chất có tính kiềm mạnh, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp. Chất này tồn tại ở dạng tinh thể kết tinh có màu trắng, mùi đặc trưng, có hút ẩm, tan hoàn toàn trong nước. Do có tính ăn mòn cao, nên KOH độc hại đối với con người, có thể gây bỏng miệng, cổ họng và dạ dày nếu nuốt phải. Ngoài ra, nó còn gây đau dữ dội, sưng tấy và tổn thương mô. Nếu hít phải, KOH có thể gây kích ứng phổi và cổ họng, dẫn đến khó thở. Khi hóa chất này tiếp xúc với da hoặc mắt sẽ gây bỏng, tấy đỏ và thậm chí tổn thương vĩnh viễn.

Trong khi đó, sorbitol là một loại rượu đường có trong các loại trái cây như táo, lê, và quả mọng…, được sử dụng rộng rãi như chất tạo ngọt, chất dưỡng ẩm, và thuốc nhuận tràng. Việc tiêu thụ quá nhiều sorbitol có thể dẫn tới đầy hơi, và khó tiêu.

Sữa giả chứa Maltodextrin gây tăng đường huyết

Cũng tại Ấn Độ, năm 2019, dư luận bàng hoàng trước thông tin cảnh sát đặc nhiệm (STF) tại khu vực Gwalior-Chambal thuộc bang Madhya Pradesh đã đột kích 3 nhà máy sản xuất sữa giả chuyên cung cấp cho các cửa hàng có thương hiệu tại 6 tiểu bang bao gồm Delhi, Rajasthan, Haryana, Uttar Pradesh và Maharashtra.

Cảnh sát phát hiện các nhà máy này sản xuất sữa giả cực độc được làm từ sơn và hóa chất. Theo đài truyền hình NDTV, trong mỗi lít sữa giả chứa tới 30% dầu tinh luyện, chất tẩy rửa, dầu gội, sơn trắng và bột glucose.

Một trong những thành phần chính được sử dụng để sản xuất sữa giả là Maltodextrin, một chất làm đặc màu trắng khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và có thể gây nguy hiểm cho người mắc bệnh tiểu đường. Một chất pha trộn khác là dung dịch tẩy rửa không chỉ làm hỏng niêm mạc dạ dày, mà còn gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Ngoài ra, các loại hóa chất khác có trong sữa giả có thể gây ung thư và các vấn đề cho tim mạch.

Vào tháng 9/2018, một quan chức thuộc Cơ quan Phúc lợi động vật Ấn Độ cho hay, 68% sữa và các sản phẩm từ sữa ở nước này được cho không đạt tiêu chuẩn do FSSAI ban hành. Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo chính phủ Ấn Độ cần phải kiểm soát tình trạng pha trộn sữa ở nước này.

Sữa giả gây hại sức khỏe thế nào?

Chia sẻ về vấn đề này trên Cổng thông tin Viện Dinh dưỡng Quốc gia, PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng VDDQG cho biết: “Nếu tiêu thụ sữa giả hoặc sữa không đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm có thể gây ra tình trạng ngộ độc cấp, các rối loạn tiêu hóa (như tiêu chảy, nôn ói…).

Đặc biệt có thể dẫn đến tình trạng mất nước, tiêu chảy cấp, hoặc các vấn đề dị ứng – nếu sản phẩm sữa đó không đảm bảo an toàn các thành phần dị ứng cho trẻ khi sử dụng thì rất khó để lường trước hậu quả”.

“Sữa giả không đảm bảo các vi chất dinh dưỡng, các chất protein, lipid, glucid… khi dùng lâu dài ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ sẽ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng, không đảm bảo tăng trưởng của bào thai cũng như trẻ đang phát triển. Trong khi hiện nay chúng ta đang tập trung cho dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời ở trẻ giúp trẻ phát triển tối ưu, nâng cao thể lực và trí tuệ cho trẻ em Việt Nam” – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nói.

Ngoài đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai thì những người mắc bệnh lý, người có sức khỏe không tốt nếu uống phải sữa giả không đúng với các thành phần như công bố thì triệu chứng bệnh có nguy cơ nặng lên.

- Ảnh 5.

Trẻ em tại Trung Quốc nằm viện trong vụ bê bối sữa giả năm 2008 – Ảnh: Reuters

Chuyên gia dinh dưỡng dẫn chứng, với sữa giả không kiểm soát được các loại đường dễ khiến đường huyết bệnh nhân đái tháo đường tăng lên; bệnh nhân suy thận sử dụng sữa giả có lượng protein cao dẫn đến gánh nặng cho thận, ảnh hưởng trầm trọng thêm bệnh tật, gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Vấn đề quan trọng nữa là khi phát hiện sử dụng sữa giả, người bệnh suy giảm niềm tin, bệnh nhân thêm bất an, lo lắng cho sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý, tinh thần rất nhiều trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, việc sử dụng sữa giả trong thời gian ngắn có thể chưa đến mức ảnh hưởng trực tiếp cho sức khỏe ngay, vì vậy cần theo dõi, kiểm tra thêm.

Cảnh giác với sữa được KOLs quảng cáo “thần kỳ”

Ngoài vấn nạn sữa giả, người dân cũng cần cảnh giác với các loại sữa được người nổi tiếng, KOLs quảng cáo “thổi phồng” công dụng như sữa giúp giảm đau xương khớp, chữa bệnh tiểu đường, tăng chiều cao vượt trội chỉ sau vài tháng…

Cảnh báo vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai nói: “Tất cả sản phẩm dinh dưỡng nếu muốn đưa ra bất kỳ công dụng nào cũng cần được chứng minh về mặt khoa học dinh dưỡng. Điều này rất quan trọng để tránh nhầm lẫn công dụng. Các sản phẩm nếu muốn quảng cáo có tính đặc thù riêng, công dụng vượt trội thì phải có bằng chứng khoa học thuyết phục mới có thể kết luận chính xác về tác dụng của sản phẩm đó được, người dân cần hết sức tỉnh táo”.

Người tiêu dùng cần làm gì trước vấn nạn sữa giả?

PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng, để tránh uống phải sữa giả, người dân cần lựa chọn những nơi uy tín để mua, đảm bảo cơ sở đó có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn đầy đủ. Nên kiểm tra nhãn mác, xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

“Bằng cảm nhận thông thường có thể kiểm tra màu sắc mùi vị sản phẩm. Sữa thật có mùi thơm đặc trưng rất rõ, màu vàng nhẹ, khi pha độ hòa tan tốt, không lắng cặn… thì có thể lựa chọn để sử dụng” – chuyên gia khuyến cáo.

Trên thực tế, tiêu thụ nhiều sữa sẽ làm giảm tiêu thụ các thực phẩm đa dạng khác như thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng… và các loại rau quả. Hậu quả là thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt và kẽm. Trong khi đó giá thành của các loại sữa tương đối cao so với các thực phẩm khác, làm tăng không cần thiết chi phí nuôi dưỡng trẻ.

Vì vậy, ngoài sữa, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mạnh mẽ, đối với trẻ trên 6 tháng tuổi cha mẹ cần tăng cường cho con ăn đa dạng để phòng chống thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Sữa chủ yếu cung cấp canxi và một phần protein, người dân có thể lựa chọn các sản phẩm thực phẩm khác giàu canxi và protein (như tôm, cua, cá…) cho bữa ăn hàng ngày để có chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối, hợp lý, không nhất thiết phải là sữa.

- Ảnh 6.

Lực lượng chức năng Trung Quốc kiểm tra các lô sữa bày bán tại siêu thị – Ảnh: Reuters

Bài học từ cách Trung Quốc xử lý vụ bê bối sữa giả

Từ những vụ án sữa giả, Trung Quốc đã thực hiện nhiều cải cách lớn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hệ thống kiểm tra chất lượng được tăng cường, luật an toàn thực phẩm sửa đổi năm 2009 với quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt trong việc kiểm tra các chất phụ gia.

Luật này thiết lập giới hạn tối đa đối với lượng melamine được phép có trong sữa và thực phẩm (không quá 1mg/kg với sữa lỏng và 2,5mg/kg với sữa bột), yêu cầu tất cả các doanh nghiệp thực phẩm công bố rõ ràng thành phần, nguồn gốc nguyên liệu và chịu trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm.

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm quốc gia, giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng theo dõi hành trình của sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn, qua đó tăng cường tính minh bạch cũng như khả năng kiểm soát trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, vụ việc khiến các doanh nghiệp Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của đạo đức kinh doanh và sự minh bạch trong chuỗi cung ứng. Nhiều công ty lớn đầu tư mạnh hơn vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế nhằm khôi phục lòng tin người tiêu dùng.

Ở cấp độ xã hội, công chúng trở nên cảnh giác hơn với thực phẩm tiêu dùng hàng ngày, đặt ra yêu cầu cao hơn với doanh nghiệp và chính quyền.

Vụ sữa nhiễm melamine là một trong những thảm họa an toàn thực phẩm lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng là chất xúc tác để hệ thống quản lý nhà nước cải tổ, để doanh nghiệp nhận ra hậu quả của việc chạy theo lợi nhuận bất chấp sức khỏe cộng đồng.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan