Trang chủ Kinh doanhKinh tế quốc tế Loạt ‘ông lớn’ năng lượng của Pháp và Đức thừa nhận rất cần khí đốt Nga, đang cân nhắc nối lại nguồn cung từ Moscow vì không muốn phụ thuộc vào Mỹ

Loạt ‘ông lớn’ năng lượng của Pháp và Đức thừa nhận rất cần khí đốt Nga, đang cân nhắc nối lại nguồn cung từ Moscow vì không muốn phụ thuộc vào Mỹ

bởi Admin
0 Lượt xem
Loạt 'ông lớn' năng lượng của Pháp và Đức thừa nhận rất cần khí đốt Nga, đang cân nhắc nối lại nguồn cung từ Moscow vì không muốn phụ thuộc vào Mỹ - Ảnh 1.

Sau khi mâu thuẫn Nga – Ukraine xảy ra vào năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga. Mỹ đã tăng nguồn cung cho châu Âu để bù đắp sự thâm hụt này.

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ đã trở nên căng thẳng hơn. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu thận trọng hơn với sự phụ thuộc vào Mỹ và tìm kiếm những lựa chọn khác.

Trong khi đó, châu Âu lại không có nhiều sự lựa chọn. Các cuộc đàm phán với Qatar về việc tăng nhập khẩu LNG đã đi vào bế tắc. Dù việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo đã được đẩy nhanh, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu dự kiến của EU.

Didier Holleaux, phó chủ tịch điều hành tại Engie của Pháp, cho biết: “Nếu Nga và Ukraine đạt thoả thuận ngừng bắn, chúng ta có thể trở lại với 60 tỷ mét khối khí đốt của Nga hàng năm, bao gồm cả LNG.”

Engie là tập đoàn khí đốt cổ phần nhà nước của Pháp và là một trong những khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Houlleaux nói thêm rằng, Nga có thể cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu của EU, thấp hơn mức 40% trước xung đột.

Patrick Pouyanne, chủ tịch TotalEnergies, chỉ ra một mối lo ngại khác, đó là châu Âu không nên quá phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ. Ông cho biết châu Âu cần đa dạng hoá, phát triển nhiều tuyến dòng chảy, không nên quá phụ thuộc vào 1 hay 2 nhà cung cấp. Dù không quay lại nhập khẩu 150 tỷ mét khối từ Nga nhưng có thể sẽ là khoảng 70 tỷ mét khối.

Đức – quốc gia vốn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt giá rẻ của Nga, hiện cũng đang cân nhắc nối lại một phần nguồn cung. Một số công ty thuộc khu Leuna Chemical Park, một trong những cụm công nghiệp hoá chất lớn nhất của Đức với các nhà máy của Dow Chemical và Shell, đã nhấn mạnh về nhu cầu quay lại với khí đốt Nga.

Klaus Paur, giám đốc điều hành của Leuna-Harze, một nhà sản xuất hóa dầu quy mô vừa tại Leuna Park, cho hay: “Chúng tôi cần khí đốt của Nga, cần năng lượng giá rẻ cho dù là chúng đến từ đâu. Chúng tôi cần Nord Stream 2 vì phải cân đối, kiểm soát chi phí năng lượng.”

Các doanh nghiệp khác cũng chia sẻ về việc thiếu năng lượng giá rẻ. Christof Guenther, giám đốc điều hành của InfraLeuna, đơn vị điều hành cụm công nghiệp, nói rằng họ đang trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chờ đợi thêm.

Guenther cho biết ngành hoá chất của Đức đã phải cắt giảm việc làm trong 5 quý liên tiếp, đây là điều chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Do đó, việc “mở van” đường ống khí đốt từ Nga sẽ hỗ trợ họ hiệu quả hơn bất kỳ chương trình trợ cấp nào ở thời điểm này.

Tại tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern, khu vực phía đông nước Đức nơi là điểm đến của đường ống Nord Stream sau khi chạy từ Nga dưới Biển Baltic, 49% người Đức muốn tiếp tục nguồn cung cấp khí đốt của Nga, một cuộc thăm dò do viện Forsa thực hiện cho thấy.

Mặc dù đã nỗ lực duy trì hoạt động tại châu Âu, nhưng lượng khí đốt xuất khẩu của Gazprom sang EU vẫn ở mức thấp. Khó khăn về tài chính của Gazprom phần lớn xuất phát từ quyết định của EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào Moscow. Tình hình trở nên căng thẳng sau khi Ukraine từ chối gia hạn thoả thuận trung chuyển với Gazrprom hồi cuối năm ngoái.


Tham khảo Reuters

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan