
Tuyến đường sắt cao tốc RTS Link đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ hợp tác hạ tầng giữa Malaysia và Singapore. Sau nhiều năm trì hoãn, đến cuối tháng 6/2025, đoàn tàu đầu tiên đã chính thức được giới thiệu tại Trung tâm thử nghiệm đường sắt Singapore (SRTC), mở ra cột mốc quan trọng cho dự án cam kết hoạt động từ tháng 12/2026.
Trước đó, đoàn tàu đầu tiên đã được lắp ráp tại cơ sở của CRRC ở Trung Quốc và vận chuyển tới cảng Jurong (Singapore) vào ngày 3/4. Kể từ đó, nó được đưa tới Trung tâm Thử nghiệm Đường sắt Singapore để chuẩn bị kiểm tra tích hợp hệ thống ngoài hiện trường.
Tham dự buổi lễ ra mắt, Bộ trưởng Giao thông Singapore Jeffrey Siow và Bộ trưởng Malaysia Anthony Loke nhấn mạnh RTS Link không chỉ là tuyến đường sắt biên giới, mà còn là biểu tượng thể hiện sự gắn kết và tầm nhìn chung giữa hai quốc gia. Khoảng 56% phần thi công vật lý dự án hiện đã hoàn thành, bao gồm xây dựng đường ray, ga, hệ thống tín hiệu,…
Theo CNA, mỗi đoàn tàu gồm bốn toa, chiều dài khoảng 76 m, sức chứa hơn 600 hành khách và chạy hoàn toàn tự động. Khi đi vào hoạt động, RTS Link sẽ vận hành từ 6 giờ sáng đến nửa đêm, với tần suất cao điểm chỉ khoảng 3,6 phút/lượt và công suất đặt mục tiêu phục vụ đến 10.000 hành khách mỗi giờ mỗi chiều.
So với dịch vụ tàu Shuttle Tebrau cũ giữa JB Sentral và Woodlands Train Checkpoint, RTS Link có nhiều cải tiến vượt trội: thời gian di chuyển giữa Bukit Chagar (Malaysia) và Woodlands North (Singapore) chỉ khoảng 5 phút. Hành khách sẽ cần làm thủ tục xuất nhập cảnh tại điểm đi dựa trên mô hình co‑located CIQ, giúp loại bỏ việc chờ đợi tại cửa khẩu đến.
Theo thượng nghị sĩ Johor, dự án RTS Link sẽ nâng tầm Johor thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực, với sự góp mặt của chính quyền bang và liên bang trong hợp tác xây dựng hạ tầng hiện đại. Các chuyên gia bất động sản từ Singapore và Johor cũng nhận định rằng RTS Link đã kích hoạt làn sóng đầu tư vào các dự án xung quanh các tuyến ga, tạo ra sức hút mới cho khu vực.

Về lâu dài, RTS Link là nền tảng cho khu kinh tế đặc biệt (SEZ Johor) mà Malaysia và Singapore đã thống nhất phát triển từ đầu năm 2025. SEZ được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm chuyên môn trong 5 năm đầu, đồng thời thúc đẩy dòng vốn đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp như công nghệ, y tế, sản xuất xanh… Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, Malaysia hiện đứng đầu danh sách các thị trường trung tâm dữ liệu tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Nghiên cứu của Morgan Stanley dự đoán quốc gia này sẽ chiếm phần lớn thị trường trung tâm dữ liệu Đông Nam Á xét về năng lực vào năm 2035 nhờ vị trí địa lý gần Singapore.
“Vị vua hiện tại rất ủng hộ doanh nghiệp và muốn Johor thành công. Tôi nghĩ Johor cần thứ gì đó giống như SEZ để tiến lên phía trước”, Govinda Singh, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn bất động sản Colliers International cho biết.
Trước đó, dự án RTS từng bị trì hoãn và cân nhắc điều chỉnh nhiều lần. Singapore phụ trách cầu vượt biển và Malaysia quản lý đường ray phía bên kia. Công tác xây dựng được Malaysia bắt đầu từ tháng 11/2020, trong khi phía Singapore khởi công đầu 2021.
Triển khai RTS Link đặt ra nhiều thử thách kỹ thuật và quản lý. Việc vận hành xuyên biên giới đòi hỏi phối hợp phức tạp về pháp lý, tín hiệu đường sắt, giám sát và thu phí. Đối tác vận hành RTS Operations (liên doanh giữa Prasarana Malaysia và SMRT Singapore) đảm nhận quản lý tài sản, vận hành và bảo trì trong thời gian khai thác 30 năm.
Nếu đúng tiến độ và vận hành thuận lợi từ cuối 2026, dự án tàu cao tốc này sẽ xóa nhòa ranh giới biên giới, giảm ùn tắc 35% tại trạm kiểm soát Johor, đồng thời đưa mô hình giao thông khu vực lên một tầm cao mới.
“Trong khi nhiều nơi trên thế giới dựng thêm rào cản thì chúng ta ở đây đang tháo dỡ rào cản và xây dựng kết nối”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia Anthony Loke nói.
Theo: CNA
Đọc bài gốc tại đây.