Campuchia, tên chính thức là Vương quốc Campuchia, là một quốc gia Đông Nam Á – thành viên của ASEAN và cũng là nước giáp biên của Việt Nam. Hiện nay, cả nước Campuchia được chia thành 24 tỉnh và 1 đơn vị hành chính đặc biệt cùng thủ đô là Phnom Penh.
Mặc dù là một đơn vị hành chính khác, Phnom Penh vẫn ở cấp tỉnh, vì vậy trên thực tế Campuchia có 25 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Phnom Penh có quyền tự quyết cao.
Ở cấp tỉnh, Phnom Penh có cả dân số cao nhất và mật độ dân số cao nhất trong tất cả các tỉnh, nhưng lại là tỉnh nhỏ thứ hai về diện tích. Tỉnh lớn nhất theo diện tích là Mondulkiri và tỉnh nhỏ nhất là Kep, cũng là tỉnh có ít dân nhất. Mondulkiri có mật độ dân số thấp nhất.
Mỗi tỉnh có một thủ phủ (hay tỉnh lỵ, được gọi là thành phố hoặc thị trấn, tiếng Khmer gọi là krong), ví dụ đối với Siem Reap, đó là Krong Siem Reap. Thị trấn hay thành phố thuộc tỉnh sẽ được xét theo số dân hoặc mức độ đô thị hoá.
Một số trường hợp tên tỉnh lỵ lại không trùng tên tỉnh như Banteay Meanchey, Kampong Speu, Kandal, Koh Kong, Mondulkiri, Oddar Meanchey, Ratanakiri, Takoo và Tboung Khmum.
Hiện nay, tỉnh Kandal được coi là một phần không chính thức của Phnom Penh vì quá trình đô thị hóa của thủ đô đã lan rộng đến các khu vực này.
Lần điều chỉnh tỉnh gần nhất của Campuchia là năm 2013. Khi đó, Quốc vương Norodom Sihamoni đã ký sắc lệnh chia Kampong Cham thành hai tỉnh: Kampong Cham (phía Tây sông Mekong ) và Tboung Khmum (phía Đông sông Mekong). Trước đó, Kampong Cham (cũ) là địa phương giáp biên với Việt Nam. Sau khi chia tách, Tboung Khmum trở thành tỉnh có cùng đường biên giới với nước ta.

Trên thực tế Campuchia có 25 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó thủ đô Phnom Penh là đơn vị hành chính đặc biệt.
Vào tháng 9/2018, Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng đã đề xuất thành lập thêm hai tỉnh nữa, với các khu vực được lấy từ Kandal, Mondulkiri và Ratanakiri. Thủ tướng Campuchia, khi đó là ông Hun Sen, đã bác bỏ kế hoạch này.
Kinh tế Campuchia dần khởi sắc qua các năm
Kinh tế Campuchia dần khởi sắc trong các năm gần đây. Năm nay, nhiều tổ chức đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia năm 2025 là 5,8%.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế Campuchia tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tốc độ tăng trưởng của Campuchia sẽ tăng từ 5,5% năm 2024 lên 5,8% năm 2025, thấp hơn một chút so với mục tiêu 6,3% của Chính phủ Campuchia.
Cũng có sự khác biệt trong dự báo từ các tổ chức quốc tế khác, với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,5% và 5,8% cho năm 2025.
Năm ngoái, theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE) công bố, Campuchia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 26,19 tỷ USD, tăng 15,7% so với mức 22,64 tỷ USD của năm 2023.
Theo báo cáo, Vương quốc này đã nhập khẩu 28,54 tỷ USD hàng hóa từ các đối tác thương mại, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu cho thấy tổng khối lượng thương mại của Campuchia đạt hơn 54,74 tỷ USD, tăng 16% so với mức 46,82 tỷ USD của năm trước.
Báo cáo cho biết thêm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm sản xuất tại Campuchia với tổng kim ngạch xuất khẩu là 9,91 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là Việt Nam và Trung Quốc, và Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 3,61 tỷ USD, 1,75 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.
Đọc bài gốc tại đây.