
Tờ The Star (Malaysia) cho biết Việt Nam sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên với Hoa Kỳ về thương mại song phương vào ngày 7/5. Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Đặc biệt, thông báo bất ngờ của Hoa Kỳ về việc áp dụng mức thuế quan có đi có lại cao trên diện rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.
Những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó quản lý.
Ngày 2/4, Hoa Kỳ chính thức công bố chính sách thuế quan toàn diện 10% đối với tất cả các nước và áp dụng mức thuế quan có đi có lại rất cao (Việt Nam phải chịu mức thuế quan có đi có lại là 46%). Một tuần sau, Hoa Kỳ tuyên bố tạm dừng kế hoạch áp thuế quan có đi có lại trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã ứng phó một cách bình tĩnh, chủ động, triển khai các biện pháp kịp thời, linh hoạt và đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu.
Theo nhà lãnh đạo Việt Nam, Việt Nam là một trong 6 quốc gia – Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia – mà Hoa Kỳ ưu tiên cao hơn trong các cuộc đàm phán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo chặt chẽ đoàn đàm phán và các bộ, ngành liên quan theo dõi diễn biến, nhanh chóng hoàn thiện các đề xuất, chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ theo tinh thần “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”.

Việt Nam là một trong 6 quốc gia – Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia – mà Hoa Kỳ ưu tiên cao hơn trong các cuộc đàm phán.
Là nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngay sau khi mức thuế quan mới được công bố, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng cắt giảm toàn bộ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam xuống mức 0%, đồng thời đề nghị phía Hoa Kỳ làm tương tự đối với hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Việt Nam giữ mục tiêu tăng trưởng 8%
Cũng tường thuật phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trang tin Tech in Asia chú ý thông tin lãnh đạo Việt Nam đã tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước ít nhất là 8% vào năm 2025, bất chấp áp lực kinh tế toàn cầu và nguy cơ áp thuế quan từ Hoa Kỳ. Thủ tướng thừa nhận những thách thức do những thay đổi kinh tế toàn cầu gần đây gây ra và gọi chúng là “chưa từng có”.
Ông nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc đạt được mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tới.
Trang tin này cung cấp thêm thông tin, kể từ khi thực hiện cải cách thị trường (Đổi Mới) vào năm 1986, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại từ chỉ một số ít quốc gia lên gần 170 quốc gia, tạo ra danh mục đầu tư quốc tế đa dạng mang lại khả năng phục hồi kinh tế.
Sự cân bằng ngoại giao này thể hiện rõ qua việc Việt Nam đồng thời duy trì quan hệ với các cường quốc, mở rộng thương mại với Hoa Kỳ từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 149 tỷ USD năm 2024 trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đối tác thương mại song phương lớn nhất của nước này.
Chiến lược ngoại giao của Việt Nam đã hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế, giúp giảm nghèo thành công từ mức độ phổ biến xuống dưới 4% dân số có mức sống dưới 3,65 USD/ngày vào năm 2023.
Nhắc lại thông tin phát biểu, Trading View cung cấp thêm thông tin về số liệu tăng trưởng tích cực của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu tháng 4/2025 của Việt Nam tăng 19,8% so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp tăng 8,9%.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2025 đạt 37,45 tỷ USD, tăng 19,8% cùng kỳ.
Đọc bài gốc tại đây.