Theo báo cáo quý II do Henley & Partners công bố ngày 22/7, hộ chiếu Việt Nam hiện đứng thứ 84 thế giới, cho phép công dân tiếp cận 51 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua chính sách miễn visa, cấp visa điện tử, visa tại cửa khẩu hoặc giấy phép nhập cảnh điện tử (ETA).
Hộ chiếu của Việt Nam tăng 7 bậc so với kỳ công bố quý I, từ vị trí 91 lên 84 toàn thế giới. Đây là mức tăng ấn tượng nhất của Việt Nam kể từ khi chỉ số này được theo dõi cách đây hai thập kỷ.
Danh sách các quốc gia miễn visa cho người Việt bao gồm hầu hết các nước trong ASEAN, cùng với những điểm đến nổi bật như: Barbados, Bolivia, Chile, Maldives, Kenya, Panama và Kazakhstan. Việc mở rộng danh sách này phản ánh nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc thúc đẩy các thỏa thuận song phương và hợp tác quốc tế về di chuyển công dân.

Việt Nam đã có bước tiến đáng chú ý trên bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu khi tăng bảy bậc trong Chỉ số Hộ chiếu Henley mới nhất cho quý II/2025.
Phát biểu về xu hướng toàn cầu, ông Christian H. Kaelin – Chủ tịch Henley & Partners – nhấn mạnh: “Tự do di chuyển không phải là điều mặc nhiên, mà là thành quả của một chính sách ngoại giao chủ động và hợp tác chiến lược”.
Theo ông Kaelin, những quốc gia tích cực đàm phán miễn visa và duy trì nguyên tắc tương hỗ sẽ tiếp tục cải thiện vị thế hộ chiếu, trong khi các quốc gia thụ động có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Bảng xếp hạng lần này Singapore tiếp tục giữ ngôi đầu với quyền tiếp cận 193 điểm đến mà không cần thị thực truyền thống. Hàn Quốc và Nhật Bản chia nhau vị trí thứ hai với 190 điểm đến, trong khi nhóm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đứng thứ ba với 189 quốc gia.
Đáng chú ý, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã có cú bứt phá ấn tượng khi từ hạng 42 lên hạng 8 chỉ trong một thập kỷ. Trung Quốc cũng ghi nhận sự tiến bộ, tăng từ vị trí 94 năm 2015 lên thứ 60 trong năm nay, dù vẫn chưa có quyền miễn thị thực vào khối Schengen.
Ở chiều ngược lại, Mỹ lần đầu tiên rơi xuống vị trí thứ 10, ngang hàng với Iceland và Lithuania, đây là mức thấp nhất trong 20 năm qua. Các chuyên gia cho rằng sự tụt hạng này đến từ việc thiếu chiến lược mở rộng chính sách thị thực song phương, cũng như quy định gây tranh cãi gần đây về phí bảo lãnh visa tối thiểu 250 USD đối với người xin visa không định cư.
Việc hộ chiếu Việt Nam tăng liền 7 bậc không chỉ là một con số mà còn là dấu hiệu của sự cải thiện đáng kể trong uy tín quốc tế và thế đứng ngoại giao. Trong bối cảnh thế giới ngày càng coi trọng quyền lực mềm và kết nối toàn cầu, thành tựu này mở ra nhiều cơ hội mới cho công dân Việt Nam trong học tập, làm việc và du lịch quốc tế.
Chỉ số hộ chiếu henley được đánh giá là thước đo uy tín toàn cầu, dựa trên dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), cập nhật hai lần mỗi năm nhằm phản ánh chính xác và kịp thời các chính sách nhập cảnh của từng quốc gia.
Với đà phát triển hiện tại, hộ chiếu Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng hạng trong thời gian tới, đặc biệt khi quốc gia tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc tế và hội nhập sâu rộng vào các thị trường mới nổi và khu vực châu Á.
Đọc bài gốc tại đây.