Theo bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes ngày 3/4, cả bốn tỷ phú USD người Việt đồng loạt giảm tài sản ròng, với tổng mức sụt giảm lên đến 659 triệu USD.

Người có mức giảm mạnh nhất trong ngày theo tỷ lệ phần trăm là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank. Tài sản của ông giảm 154 triệu USD, tương đương 7,95% so với ngày trước đó, xuống còn 1,8 tỷ USD.
Kết thúc phiên sáng, cổ phiếu Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh giảm gần hết biên độ xuống còn 25.950 đồng và nằm trong nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất. Thanh khoản đạt hơn 54 triệu cổ phiếu. Khối ngoại bán ròng hơn 6,1 triệu đơn vị, khi mua vào 1,3 triệu và bán ra 7,4 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam với 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, ông “bay” 255 triệu USD trong phiên giao dịch sáng nay, tương đương 3,33%.
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup giảm mạnh trong phiên sáng 3/4, kết phiên tại 57.000 đồng, mất 3.400 đồng so với tham chiếu, tương đương -5,63%. Đây là mức giảm mạnh nhất của mã này trong nhiều phiên gần đây.
VIC dao động trong vùng giá thấp suốt phiên, chạm đáy tại 56.200 đồng trước khi hồi nhẹ về cuối buổi sáng. Thanh khoản đạt hơn 10,1 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 115.000 cổ phiếu.
Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng trong nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt tại các cổ phiếu liên quan tới chuỗi sản xuất, bất động sản và tài chính. Diễn biến tiêu cực xuất hiện sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế tối thiểu 10–60% với hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù chưa tác động trực tiếp tới Vingroup, tâm lý thị trường bị ảnh hưởng rõ rệt do lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng vốn FDI sẽ bị siết chặt.
Hai tỷ phú còn lại là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air – và ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – lần lượt giảm 128 triệu USD (4,76%) và 122 triệu USD (5,28%). Tài sản của bà Thảo hiện còn 2,6 tỷ USD, trong khi ông Long sở hữu 2,2 tỷ USD.
Ngoài ra, trong danh sách cập nhật tỷ phú USD mới nhất của Forbes, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan không xuất hiện.

Biến động tài sản ròng của các tỷ phú chủ yếu đến từ đà lao dốc của thị trường chứng khoán trong phiên gần nhất. Sáng nay, VN-Index có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm khi mất tới 82,2 điểm, chỉ còn 8 mã tăng giá trong khi có 496 mã giảm và 175 cổ phiếu giảm sàn.
Thanh khoản toàn thị trường vượt 31.000 tỷ đồng, cho thấy áp lực bán mạnh. Trong rổ vốn hoá lớn, nhiều mã mất hết biên độ như MSN, MWG, BCM, BVH, GVR, VRE, SHB và TPB – kéo theo đà giảm mạnh tài sản của các cổ đông lớn và tỷ phú liên quan.
Sáng nay, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ mua vào hơn 830 tỷ đồng, trong khi bán ra gần 2.700 tỷ đồng, tương ứng giá trị rút ròng khoảng 1.900 tỷ đồng – mức cao nhất trong gần ba tháng qua.
Bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực là công cụ do Forbes vận hành, cập nhật liên tục giá trị tài sản ròng của những người giàu nhất thế giới. Tài sản gắn với cổ phiếu niêm yết được điều chỉnh mỗi 5 phút trong thời gian giao dịch, với độ trễ khoảng 15 phút so với giá thị trường thực tế.
Đối với các công ty tư nhân, Forbes cập nhật một lần mỗi ngày. Nếu tài sản tư nhân chiếm từ 20% tổng giá trị tài sản ròng trở lên, giá trị doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh theo các chỉ số ngành hoặc khu vực, sử dụng dữ liệu từ FactSet Research Systems.
Trang chủ bảng xếp hạng sẽ hiển thị danh sách 5 cá nhân tăng và giảm tài sản mạnh nhất trong ngày, kế đến là danh sách đầy đủ các tỷ phú được xếp theo thứ tự giá trị tài sản ròng.
Đọc bài gốc tại đây.