Trang chủ Kinh doanhChứng khoán 1 ngày sau ĐHĐCĐ thường niên, cổ phiếu FPT bị bán tháo, vốn hóa “bốc hơi” gần 12.000 tỷ đồng

1 ngày sau ĐHĐCĐ thường niên, cổ phiếu FPT bị bán tháo, vốn hóa “bốc hơi” gần 12.000 tỷ đồng

bởi Admin
0 Lượt xem

Phiên giao dịch ngày 16/4, cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT bất ngờ giảm sàn (-6,98%) từ 116.000 đồng/cp xuống chỉ còn 107.900 đồng/cp, với khối lượng khớp lệnh hơn 18 triệu đơn vị và dư bán giá sàn đến 1,07 triệu đơn vị. Sau phiên giao dịch hôm nay, vốn hóa của FPT giảm 11.915 tỷ đồng từ 170.644 tỷ đồng xuống còn 158.728 tỷ đồng.

Hiện tại, Chủ tịch Trương Gia Bình đang nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng tỷ lệ 6,94%. Như vậy, ông Bình cũng mất đi 827 tỷ do giá cổ phiếu FPT giảm.

Một điều trái ngược hoàn toàn với FPT đó là cổ phiếu FOX của CTCP Viễn thông FPT lại có một phiên tăng mạnh hơn 4% lên 95.900 đồng/cp. Vốn hóa của FOX tăng thêm 2.315 tỷ đồng lên 47.724 tỷ đồng. Hiện tại, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất của FOX khi nắm giữ hơn 247 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 50,17%). Trong khi đó, FPT là cổ đông lớn thứ 2 với 224,86 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 45,66%).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, dù có tỷ lệ ít hơn SCIC nhưng FPT có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của HĐQT hoặc cấp quản lý tương đương của FOX và có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của đơn vị này. Do đó, FPT có quyền kiểm soát đối với FOX và ghi nhận đơn vị này là công ty con.

Cổ phiếu FPT giảm sâu sau khi tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025 ngày 15/4 vừa qua. Tại Đại hội, một cổ đông đã góp ý về việc nâng mức sinh lời cổ đông (TSR) trong công thức tính toán tỷ lệ ESOP từ 10% lên 15%. Lý do cổ đông này đưa ra là TSR của FPT trong giai đoạn 5 năm qua lên đến tới hơn 40% và con số 10% trong kế hoạch chưa đủ hấp dẫn. Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết, con số 10% không phải là mục tiêu ban lãnh đạo công ty đặt ra để hưởng ESOP. “Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều chuyện, chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu. Chúng tôi đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và quan hệ cổ đông tốt nhất trên thị trường và kỳ vọng hai yếu tố này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu của FPT”, ông Phương nhấn mạnh.

Cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam sẽ có năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, FPT dự kiến chia cổ tức cho năm 2024 tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp). Doanh nghiệp đã tạm ứng 10% trong năm 2024, còn lại 10% sẽ chi trả sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt, dự kiến trong quý 2/2025. Với 1,47 tỷ cổ phiếu lưu hành, FPT dự kiến sẽ chi gần 1.500 tỷ cho đợt cổ tức tới đây. Cổ tức 2025 dự kiến 20% bằng tiền.

Về kế hoạch tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, FPT dự kiến sẽ phát hành thêm 222,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15%). Thời gian thực hiện sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt và hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) nhưng không muộn hơn quý 3/2025. Sau phát hành, FPT sẽ nâng vốn điều lệ từ 14.711 tỷ lên mức 16.933 tỷ đồng.

Đối với FOX, đơn vị này mới đây đã có công bố về việc trả cổ tức đợt 2 bằng tiền mặt năm 2024 ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, thời gian chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là ngày 28/4/2025. Dự kiến thời gian chi trả cổ tức là ngày 6/6. Trước đó, công ty công bố sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2024 với tỷ lệ 2.000 đồng vào ngày 30/5 theo danh sách cổ đông đã chốt ngày 17/3. Bên cạnh việc thanh toán cổ tức tiền mặt, FOX cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 50% (10 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới). Nếu thành công, sau đợt phát hành, vốn điều lệ của FOX sẽ tăng từ 4.925 tỷ đồng lên gần 7.388 tỷ đồng. Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong năm 2025.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan