
Chiều 20/3, Thủ tướng đã đi kiểm tra hiện trường một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: VGP
Dự án này là tuyến cao tốc Hồ Tràm – sân bay Long Thành.
Theo đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tại Côn Đảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tỉnh khẩn trương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh thủ tục đầu tư để khởi công tuyến cao tốc Hồ Tràm – sân bay Long Thành vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/2025.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc triển khai tuyến cao tốc Hồ Tràm – sân bay Long Thành có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại, mở rộng không gian đô thị, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực ven biển, đặc biệt là thúc đẩy ngành du lịch và dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Đây cũng là dự án quan trọng khi góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số cũng như khai thác hiệu quả về tiềm năng kinh tế biển của các địa phương lân cận.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh thủ tục đầu tư để khởi công tuyến cao tốc Hồ Tràm – sân bay Long Thành vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/2025. Ảnh: VGP
Trên thực tế, tuyến cao tốc độ thị Hồ Tràm – sân bay Long Thành được đề xuất dài khoảng 41 km. Điểm đầu của tuyến kết nối với đường Vành đai 4 của TP HCM và điểm cuối nối vào tuyến ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này được xây mới hoàn toàn, với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là khoảng 4.500 tỷ đồng.

Hồ Tràm hiện được coi “thiên đường nghỉ dưỡng cao cấp ở phía Nam”. Ảnh minh họa
Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào vận hành, việc di chuyển từ các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và những điểm du lịch như Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm đến sân bay chủ yếu dựa vào mạng lưới đường hiện hữu. Nhưng thực tế các tuyến đường này đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, đô thị lớn, mật độ giao thông cao… khiến thời gian di chuyển kéo dài và khó đảm bảo ổn định.
Chính vì vậy, theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc xây dựng tuyến cao tốc kết nối trực tiếp sân bay Long Thành với Hồ Tràm là hết sức cấp thiết. Bởi tuyến đường này không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược mà còn mở ra không gian phát triển mới cho đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch ven biển. Hơn nữa, khu vực Hồ Tràm, nơi nổi tiếng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, sẽ được hưởng lợi lớn vì kết nối hạ tầng thuận tiện, đồng thời gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Sân bay Long Thành – công trình trọng điểm quốc gia

Thủ tướng yêu cầu, khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì các dự án giao thông kết nối cũng phải xong. Ảnh: VGP
Dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia. Khi hoàn thành, sân bay này có công suất phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong giai đoạn 1, dự án này có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Ngoài ra, dự án sân bay Long Thành còn mở ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người dân Đồng Nai. Trong đó, ưu tiên cho người dân khu vực thu hồi đất làm sân bay. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến cần tới 13,7 ngàn lao động.
Trước đó, vào tháng 3/2025, trong chuyến công tác kiểm tra công trường xây dựng sân bay Long Thành và 2 tuyến đường kết nối sân bay, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chậm nhất tới ngày 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành xây dựng xong thì các dự án giao thông kết nối cũng phải xong.
Thủ tướng chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu và các bộ, ngành liên quan cần quán triệt mục tiêu không thay đổi của dự án là cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026.
Đọc bài gốc tại đây.