Hôm nay (ngày 26/5), UBND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh này báo cáo về vụ việc Tập đoàn Sơn kiến nghị liên quan đến gói thầu xây dựng cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước.
Đồng thời,
UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm việc trực tiếp với nhà thầu để xử lý và giải quyết kiến nghị của Tập đoàn Sơn Hải.
Tập đoàn Sơn Hải phản đối kết quả trúng thầu trong dự án hơn 17.000 tỷ

Phối cảnh dự án đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Ảnh: ĐVTK
Trước đó, vào sáng cùng ngày, trên fanpage chính thức, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) chia sẻ văn bản gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước, phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng
đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Tập đoàn Sơn Hải phản ánh việc bị loại khỏi gói thầu xây dựng đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước, dù có giá dự thầu thấp nhất trong số 5 nhà thầu. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước là chủ đầu tư dự án này.
Theo văn bản được Tập đoàn Sơn Hải công bố, ngày 17/3, chủ đầu tư đã mở thầu công khai qua mạng. Theo đó, giá gói thầu do chủ đầu tư đưa ra là hơn 880 tỷ đồng. Sau đó, có 5 doanh nghiệp đã tham gia dự thầu. Cụ thể, giá dự thầu của Tập đoàn Sơn Hải là hơn 732,2 tỷ đồng, Tập đoàn Cienco 4 là hơn 800,6 tỷ đồng, liên danh cao tốc IB2500057961 hơn 804 tỷ đồng, liên danh cao tốc tỉnh Bình Phước hơn 836 tỷ đồng và liên danh cao tốc HCM-TDM-CT hơn 866 tỷ đồng.
Theo mức giá dự thầu trên, Tập đoàn Sơn Hải giúp tiết kiệm 148,4 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp khác có mức tiết kiệm thấp hơn. Đặc biệt, thấp nhất là liên danh cao tốc HCM-TDM-CT, với mức tiết kiệm chỉ hơn 14 tỷ đồng.
Khi đến ngày 22/5, chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có giá dự thầu cao nhất là liên danh HCM-TDM-CT (gồm Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng NTV Thành Phát) trúng thầu. Điều này khiến Tập đoàn Sơn Hải bày tỏ “rất ngạc nhiên”. Hơn nữa, những nhà đầu tư mà chủ đầu tư đã loại là những doanh nghiệp hàng đầu và có tiếng trong xây dựng giao thông của Việt Nam, bao gồm CTCP Tập đoàn Cienco4, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), CTCP Xây dựng Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải.
Lý do Tập đoàn Sơn Hải và các doanh nghiệp trên bị chủ đầu tư loại là do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu này.
Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản phản đối quyết định chọn thầu của chủ đầu tư, gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Phước để giải quyết theo quy định của Luật Đấu thầu và gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để xem xét, làm rõ.
Liên quan đến vụ việc này,
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ đầu tư dự án) cho biết chưa nhận được bất cứ kiến nghị chính thức nào từ Tập đoàn Sơn Hải bằng đường văn thư và trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đơn vị này chỉ biết thông tin trên các trang mạng xã hội và hiện đang là báo cáo nhanh để trình UBND tỉnh Bình Phước.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho hay, sau khi có báo cáo về vụ việc cũng như kết quả trong buổi làm việc với Tập đoàn Sơn Hải, UBND tỉnh sẽ có thông tin chính thức đến những cơ quan báo chí.

Hình ảnh đồ họa thiết kế dự án đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Ảnh: ĐT
Tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn đi qua địa phận của tỉnh Bình Dương, có tổng chiều dài khoảng 52km. Tuyến đường này được quy hoạch với quy mô 6 làn xe và vận tốc thiết kế 100 km/h. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), với quy mô 4 làn xe cao tốc và làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến, nền đường rộng 25,5m.
Tổng mức đầu tư của dự án này là khoảng 17.400 tỷ đồng, với thời gian thực hiện 36 tháng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Trong đó, vào Cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh Bình Phước đã động thổ dự án cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua Bình Phước. Dự án này có chiều dài 6,6km. Điểm đầu giáp ranh hai tỉnh Bình Dương – Bình Phước và điểm cuối giao với quốc lộ 14, đoạn thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư.
Dự án này được đầu tư bằng hình thức đầu tư công với tổng vốn 1.474 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương 1.000 tỷ đồng và vốn địa phương 474 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án này là từ 2024 – 2026.
Đọc bài gốc tại đây.