Trang chủ Kinh doanhBất động sản Siêu dự án đại lộ và cảnh quan, khát vọng kỳ tích sông Hồng

Siêu dự án đại lộ và cảnh quan, khát vọng kỳ tích sông Hồng

bởi Admin
0 Lượt xem

Thuận thủy thay vì chống thủy

Mới đây, UBND TP Hà Nội chấp thuận cho liên danh nhà đầu tư Đèo Cả – Văn Phú nghiên cứu đề xuất dự án “ Xây dựng đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng”. Đây được xem là bước tiến mang tính đột phá trong quá trình hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, được Hà Nội phê duyệt năm 2022.

- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án “Xây dựng Đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng”

Tuy nhiên, dự án đối mặt thử thách không hề nhỏ: Làm sao để đảm bảo an toàn cho hành lang thoát lũ sông Hồng khi đồng thời triển khai hàng loạt công trình như đại lộ, công viên cây xanh, khu vui chơi, không gian văn hóa – cộng đồng…? Những năm gần đây, rất nhiều công trình nhà xưởng, bãi khai thác cát, trạm trộn bê tông, khu dân cư… ở ven sông đang bóp nghẹt không gian thoát lũ, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để.

- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Tú (giữa) trong căn nhà trọ xập xệ tại Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội)

Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khẳng định, bảo đảm an toàn hành lang thoát lũ phải là ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai dự án. Theo ông Nghiêm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều trên sông Hồng vào năm 2016, tuy nhiên, cần có thêm một quy hoạch về hành lang thoát lũ đến cấp xã, phường để ngăn chặn triệt để những sai phạm.

“Bên cạnh đó, TP Hà Nội và các nhà đầu tư cần áp dụng các giải pháp khoa học – công nghệ, chẳng hạn như nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, nhân rộng hệ thống nhà nổi…”, ông Nghiêm nêu.

PGS.TS Bùi Công Quang, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Thủy lợi, nói rằng, yếu tố cốt lõi để hiện thực hoá quy hoạch ven sông Hồng là bảo đảm an toàn phòng chống lũ, đê điều. Những năm gần đây, nhiều hồ chứa thủy điện lớn ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu… đã giúp điều tiết lũ, góp phần bảo vệ an toàn cho khu vực hạ du.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, việc xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng ven sông Hồng vẫn phải chấp hành quy định nêu trong Điều 32 của Luật Thủ đô 2024, đó là không tôn cao bãi sông, bãi nổi. Tôn cao sẽ khiến dòng chảy bị cản trở, gia tăng áp lực nước lên hệ thống đê điều, gây nguy cơ tràn đê, vỡ đê.

KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, cho rằng, các hạng mục thuộc siêu dự án không nên phát triển theo mô hình công trình cao tầng, kiên cố. “Thay vào đó, cần ưu tiên thiết kế các hạng mục như công viên, quảng trường, bãi cỏ, sân thể thao… theo hướng không gian mở hoặc bán ngập, tức có thể chịu ngập tạm thời trong mùa lũ. Nói cách khác, mọi công trình ở khu vực ven sông Hồng phải thích ứng tốt với dòng chảy và mực nước, thuận thuỷ thay vì chống thuỷ”, ông Hải nhận định.

Theo đề xuất, dự án Xây dựng Đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng có quy mô khoảng 7.800 ha, tổng chiều dài khoảng 40 km, trải dài qua 13 quận, huyện và 55 phường, xã của Thủ đô. Đại lộ, cảnh quan ven sông Hồng bao gồm 22 km cầu cạn; 7,6 km đường song hành; 2,3 km hầm chui với quy mô mặt cắt ngang 4 – 6 làn xe. Riêng các cụm công viên cây xanh, vui chơi giải trí, các công trình mang tính biểu tượng là điểm nhấn của Thủ đô và cảnh quan hai bên bờ sông trải rộng khoảng 3.000 ha.

Tất cả vì lợi ích cộng đồng

Bên cạnh việc tránh xâm phạm hành lang thoát lũ, công tác bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng sống cho khoảng 30 vạn người dân ven sông Hồng cũng cần được chú trọng. Phần lớn người dân trong khu vực này là lao động nghèo, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, ô nhiễm môi trường và điều kiện hạ tầng thiếu thốn.

Chị Nguyễn Thị Tú hơn 10 năm sinh sống tại các phường Phúc Xá, Phúc Tân (thuộc vùng ven sông Hồng), làm nghề “cửu vạn” tại chợ Long Biên. Thu nhập thấp khiến chị phải ở trong khu trọ tồi tàn, xập xệ, thường xuyên mất điện, mất nước sinh hoạt. “Năm ngoái, sau cơn bão số 3, cả xóm trọ tan hoang, ngập trong bùn, đất và rác. Điện và nước bị cắt liên miên. Đồ đạc gần như hỏng sạch. Nếu thêm vài đợt mưa lũ như vậy nữa, chúng tôi chắc phải dạt đi nơi khác vì chịu sao nổi”, chị Tú kể.

Bà Trần Thị Phượng (trọ tại Phúc Tân, Ba Đình, Hà Nội) nhận thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại vùng ven sông Hồng ngày càng nghiêm trọng. “Những bãi bồi ven bờ sông luôn ngập ngụa trong dòng nước đen ngòm và rất nhiều loại rác, thải ra chủ yếu từ chợ Long Biên. Ngày nào chúng tôi cũng phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, đặc biệt khi nắng nóng hoặc sau mưa. Nhiều hôm rác trôi sát cửa nhà trọ, phải dùng xẻng xúc đi mới bước ra ngoài được”, bà Phượng kể. Từ trước đến nay, mong muốn lớn nhất của gia đình bà là được mua nhà ở xã hội với mức giá ưu đãi.

Bố trí khu tái định cư hợp lý

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong quá trình nghiên cứu siêu dự án, TP Hà Nội và các nhà đầu tư nên khảo sát toàn bộ khu dân cư tại vùng ven sông Hồng. Những khu dân cư nằm trong hành lang thoát lũ nên được di dời tới các khu vực khác.

Còn các khu vực khác nên được cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, nâng cao khả năng chống chịu trước biến động mực nước, đặc biệt là nguy cơ ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, việc đầu tư đồng bộ các hạ tầng xã hội, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… là rất cần thiết để cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng dân cư ven sông.

- Ảnh 6.

Đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu dự án “Xây dựng Đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng”. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

“Tôi đánh giá cao ý tưởng xây dựng đại lộ ven sông để tăng cường kết nối giao thông. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần tăng cường kết nối giao thông đường thuỷ để người dân ven sông tiếp cận các bãi nổi, bãi giữa thuận tiện hơn cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thường nhật… Ngoài ra, có thể xem xét xây dựng thêm các tuyến đường phụ kết nối từ các cầu lớn bắc qua sông xuống vùng bãi, hoặc thậm chí nghiên cứu một hệ thống cáp treo vượt sông tại các điểm đặc thù”, ông Nghiêm gợi ý.

KTS Ngô Trung Hải nhận định, việc đảm bảo nơi tái định cư ổn định cho người dân trong diện buộc phải di dời, giải toả cũng quan trọng không kém. Phương án hợp lý nhất là bố trí tái định cư tại khu nhà ở xã hội, đồng thời thiết kế chính sách tín dụng ưu đãi, cho phép họ được vay mua nhà với lãi suất thấp, thời gian trả linh hoạt. Bên cạnh đó, cần triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, kết nối việc làm… để đảm bảo cuộc sống mới ổn định sau tái định cư.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan