
Cao Bằng là tỉnh có diện tích tự nhiên chưa đạt theo quy định (6.700,4 km2 chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp trong đợt này.
Nguyên nhân là vì tỉnh Cao Bằng có đường biên giới quốc gia rất dài giáp với nước Trung Quốc, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở, có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hơn nữa, các tỉnh giáp ranh với Cao Bằng đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập: Phía Tây giáp ranh tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có diện tích tự nhiên lớn. Phía Nam giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên.
Phía Đông giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ thành một tỉnh mới có chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh.
Theo TTXVN, Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.
Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.703,42km2; là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên có độ cao từ 600-1.300m so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%.
Hiện nay, Cao Bằng có một thành phố, 9 huyện với 161 đơn vị hành chính cấp xã. Với cấp xã, theo đề án sắp xếp, tỉnh sẽ giảm còn 3 phường, 53 xã.
Bên cạnh việc lấy tên huyện đặt cho xã, tỉnh Cao Bằng giữ lại tên xã có truyền thống văn hóa, tên nhân vật lịch sử như: Bế Văn Đàn, Kim Đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng lấy tên nhân vật lịch sử đặt cho một số xã mới sáp nhập. Đơn cử 5 phường của TP Cao Bằng là Sông Hiến, Đề Thám, Hợp Giang, Hưng Đạo, Hoàng Tung sẽ sáp nhập thành phường Thục Phán.
Ba phường, xã Sông Bằng, Ngọc Xuân, Vĩnh Quang sau sáp nhập sẽ có tên mới là Nùng Trí Cao…
Năm 2025: Cao Bằng phấn đấu tăng trưởng 8%
Theo báo cáo của Cục Thống kê Cao Bằng, quy mô nền kinh tế của Cao Bằng năm 2024 ước đạt 25.204 tỷ đồng, tăng trưởng 6,74% so với năm 2023, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Khu vực dịch vụ tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong cơ cấu kinh tế với giá trị đạt 14.236 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng quy mô.

Theo đề án sắp xếp, tỉnh Cao Bằng sẽ giảm còn 3 phường, 53 xã.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5.294 tỷ đồng, tương ứng gần 21% tỷ trọng, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 4.787 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% trong nền kinh tế.
Theo thống kê của VnExpress, sau đợt sắp xếp các tỉnh lần này, Cao Bằng có quy mô kinh tế nhỏ nhất Việt Nam.
Hồi tháng 3, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, quy mô GRDP theo giá so sánh của tỉnh năm 2025 dự kiến đạt 13.794 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn (bao gồm giá trị hàng hóa giám sát) dự kiến đạt 900 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đăng ký tại địa bàn đạt 190 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đăng ký đạt 710 triệu USD.
Thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt 2.143 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 1.432 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu đạt 710 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11% so với năm 2024.
Để tạo động lực mới cho tăng trưởng, tỉnh Cao Bằng dự kiến đưa vào hoạt động nhiều dự án trọng điểm trong năm 2025. Trong lĩnh vực công nghiệp, hai nhà máy thủy điện sẽ đi vào hoạt động: Thủy điện Pác Khuổi (công suất 7MW, sản lượng điện 24,42 triệu Kwh) và thủy điện Hồng Nam (công suất 24MW, sản lượng điện 82,1 triệu Kwh).
Sáu dự án khai thác khoáng sản cũng được đẩy mạnh triển khai, trong đó có Dự án khai thác quặng Bauxit khu vực Đại Tổng (công suất 240 nghìn tấn/năm) và dự án khai thác và tuyển khoáng mỏ Bauxit Tập Ná (công suất 1,5 triệu tấn quặng tinh/năm).
Một trong những điểm nhấn quan trọng của kế hoạch là hoàn thành tuyến đường bộ Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) trước ngày 31/12/2025, tạo cơ sở thông xe kỹ thuật vào năm 2026. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về hạ tầng giao thông, kế hoạch đặt mục tiêu đưa tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường đạt 85% và tỷ lệ xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa đạt 100%.
Đọc bài gốc tại đây.