Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia về xây dựng, kiến trúc nhận định, các công trình cao tầng ở Việt Nam đang được xây dựng, thiết kế tương ứng khoảng cấp động đất từ 6 – 8 độ richter.
Theo bảng phân vùng về động đất của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Vì vậy, các công trình nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội đều phải có thiết kế đủ tiêu chuẩn được tính toán chống chịu động đất tới cấp 7 và có thể kiểm soát động đất lên tới cấp 8.
Thông tin với Báo điện tử VTC News, một nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: ” Sự phát triển nhà cao tầng là xu thế chung toàn thế giới. Theo quy định, các nhà ở của Việt Nam phải chống được động đất cấp 7, nếu sang tới cấp 8 thì chúng ta phải tính toán “.
Ông phân tích thêm: các tòa nhà cao tầng chỉ thực sự nguy hiểm khi động đất đạt cường độ nhất định, ảnh hưởng tới chất lượng, kết cấu, độ an toàn của công trình. Vị trí địa lý của Việt Nam không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương nên khả năng không thường xuyên gặp phải những trận động đất mạnh như ở Nhật Bản, Myanmar, Indonesia…
Tuy vậy, đối với các công trình tại Việt Nam, thiết kế công trình chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng, đặc biệt trong các khu vực địa chất không ổn định. Và về mặt luật pháp, đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định.

Nhà cao tầng ở Việt Nam chịu được động đất bao nhiêu độ Richter? (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Chuyên gia Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng khẳng định: Tại Việt Nam, yêu cầu thiết kế chống động đất được quy định bởi pháp luật và là tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để bảo vệ công trình khỏi các tác động của động đất.
“Cụ thể, Điều 91 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định về việc đảm bảo an toàn công trình. Theo đó, các công trình xây dựng phải được thiết kế và thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tính ổn định và tính bền vững trong điều kiện động đất. Đặc biệt, đối với những khu vực có nguy cơ động đất cao, công trình phải đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất theo quy định của pháp luật.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 02:2022/BXD) cũng quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình chống động đất. Các tiêu chuẩn này bao gồm việc đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất và thiết kế cấu trúc phù hợp để chống chịu được các tác động của động đất” , ông Thịnh nói.
Ông Thịnh khuyến cáo, để thực hiện thiết kế công trình chống động đất, các chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế cần tuân theo các bước từ đánh giá nguy cơ động đất; tính toán tải trọng động đất có thể tác động lên công trình có kể đến các yếu tố như độ cứng của đất, cấu trúc địa chất, và độ cao của công trình.
Thiết kế cấu trúc của công trình phải đảm bảo khả năng chống chịu được động đất. Cấu trúc này bao gồm các hệ thống khung chịu lực, tường cứng, lõi cứng và các giải pháp kỹ thuật khác nhằm tăng cường độ bền vững của công trình.
Sau khi hoàn thành thiết kế, chủ đầu tư cần nộp hồ sơ để cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Quá trình này đảm bảo rằng thiết kế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.
Trong quá trình thi công, cần giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế chống động đất để đảm bảo chất lượng công trình.
Các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác từ cấp II trở lên thuộc danh mục công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng nên phải chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh hoặc của Bộ Xây dựng.
“Trên đây là những yêu cầu bắt buộc mà mọi công trình xây dựng trong khu vực có nguy cơ động đất cần tuân thủ. Thiết kế, thi công công trình chống động đất không chỉ đảm bảo an toàn cho người sử dụng mà còn góp phần bảo vệ tài sản và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất. Yêu cầu thiết kế, thi công chống động đất cần được thực hiện đầy đủ và chính xác để đảm bảo chất lượng và độ bền vững của công trình”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia xây dựng, trong bối cảnh có nhiều tòa nhà cao tầng thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần có bản đồ đánh giá động đất chi tiết để từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất, phục vụ cho việc kháng chấn của công trình xây dựng. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập một số thiết bị quan trắc ở các nhà cao tầng ở các quận nội thành để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.
Cần làm gì khi động đất xảy ra?
Nếu đang ở trong các tòa nhà cao tầng, người dân nên tránh xa các cửa sổ, cửa ra vào và vách tường bởi đây là những nơi bị sụp đổ đầu tiên trong các công trình kiên cố khi xảy ra động đất.
Ngay khi cảm nhận rung chấn, nên chui xuống gần bàn, gầm ghế hoặc gầm giường để tránh đồ vật rơi xuống gây chấn thương.
Nếu đang ngủ, nên nằm úp trên giường và dùng gối bảo vệ đầu.
Động đất thường chỉ xảy ra trong vài giây, tuy nhiên trường hợp động đất mạnh thì cần tìm cách di chuyển khỏi tòa nhà để tránh dư chấn có thể tiếp tục xảy ra, làm đổ nhà, gây thương tích.
Trường hợp đang ở trong thang máy, hãy di chuyển khỏi thang máy và ở yên trong tòa nhà hoặc thoát khỏi tòa nhà khi ở các tầng thấp theo thang bộ. Nếu thang máy dừng hoạt động, hãy nằm xuống sàn, đồng thời dùng tay che đầu cho đến khi thang máy hoạt động trở lại.
Nếu động đất xảy ra, nên đi theo thang bộ thoát hiểm ra ngoài, không xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để chạy khỏi tòa nhà vì có thể gây thương tích.
Khi động đất đi qua, nên tìm cách ra xa khỏi tòa nhà nhằm tránh dư chấn có thể xảy ra, gây thương tích lớn. Trường hợp bị kẹt trong đống đổ nát, nên gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ.
Đọc bài gốc tại đây.