
Sắp tới, Việt Nam sẽ thay đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và cấp cơ sở), đồng thời triển khai điều chỉnh địa giới hành chính đối với một số tỉnh, thành phố. Việc điều chỉnh này có thể làm thay đổi thông tin địa chỉ bất động sản.
Theo Báo Chính phủ, mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy trao đổi với các cử tri của thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) liên quan đến công việc điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai, cụ thể là chỉnh sửa hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận khi thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương từ ba cấp thành hai cấp.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, ngày 10/4, Bộ trưởng đã ký văn bản số 911 gửi các địa phương để hướng dẫn việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tập hợp số liệu diện tích tự nhiên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương từ ba cấp thành hai cấp.
Trong văn bản này, đã quy định rõ nguyên tắc chỉnh lý, cách thức thực hiện, việc bảo quản và bàn giao hồ sơ địa chính từ cấp huyện về cấp xã, cấp tỉnh.
“Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai do sắp xếp đơn vị hành chính phải được thực hiện đồng thời với việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất, đảm bảo thông suốt, không gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc phải chỉnh lý đồng loạt các giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu hoặc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Ví dụ, nếu trước đây giấy chứng nhận đất được cấp bởi thành phố, địa danh trong đó ghi là xã Minh Bảo (xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái), nay không còn xã Minh Bảo thì người dân vẫn không cần điều chỉnh gì.
Các giấy tờ vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không cần thay đổi, trừ khi người dân thực hiện thủ tục như chia tách, chuyển nhượng… Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ vừa thực hiện thủ tục hành chính, vừa chỉnh lý theo ranh giới hành chính mới, cập nhật số liệu, tờ thửa mới.

“Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mang sổ đỏ/sổ hồng đi điều chỉnh chỉ vì thay đổi tên đơn vị hành chính”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin. Ảnh minh hoạ.
“Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mang sổ đỏ/sổ hồng đi điều chỉnh chỉ vì thay đổi tên đơn vị hành chính”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin.
Thủ tục đính chính sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh thành
Theo công văn 991/BNNMT-QLĐĐ 2025 hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính, quy định đối với Giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, người dân không bắt buộc phải thực hiện chỉnh lý đồng loạt Giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Báo Lao Động cho hay, khi có nhu cầu hoặc làm thủ tục đất đai liên quan, thủ tục đính chính sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh thành được quy định tại Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ khoản 2 Điều 45 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện đính chính thông tin địa chỉ trên sổ đỏ gồm:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
– Giấy chứng nhận đã cấp.
– Giấy tờ liên quan đến việc đính chính Giấy chứng nhận do sáp nhập.
– Giấy ủy quyền có công chứng/chứng thực (nếu thực hiện thủ tục thông qua người đại diện).
Bước 2. Nộp hồ sơ
Người yêu cầu đăng ký nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ sau:
– Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
– Văn phòng đăng ký đất đai.
– Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ
Bước 4. Trả kết quả
Theo khoản 8, khoản 10 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian thực hiện đính chính Giấy chứng nhận đã cấp là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thời gian trên không tính thời gian cơ quan thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý trường hợp đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thời gian để thực hiện thủ tục chia thừa kế…
Đối với các xã ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thì tăng thêm 10 ngày làm việc.
Đọc bài gốc tại đây.