Trang chủ Kinh doanhBất động sản Không phải bỗng dưng tỉnh lẻ trở thành ‘ngôi sao’ thu hút đầu tư

Không phải bỗng dưng tỉnh lẻ trở thành ‘ngôi sao’ thu hút đầu tư

bởi Admin
0 Lượt xem

Cấp giấy chứng nhận đầu tư ‘thần tốc’

Những năm qua, với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng cải thiện năng lực quản trị, nâng cao chất lượng chính quyền số, tạo lập môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng và thân thiện.

Một trong những ví dụ điển hình nhất là câu chuyện cấp giấy chứng nhận đầu tư “thần tốc” chỉ trong 12 giờ, kể từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến cho dự án của Công ty Foxconn Singapore tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên (tổng vốn đầu tư 250 triệu USD), nhanh hơn 14 ngày so với quy định.

Tỉnh Quảng Ninh còn chủ động đổi mới các mô hình hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, tại Quảng Ninh, kinh tế tư nhân chiếm hơn 97% số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tập đoàn Tuần Châu với các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Hạ Long.

Tiêu biểu là Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng – nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 350 triệu USD, công suất thiết kế 120.000 xe/năm. Dự án không chỉ giúp tỉnh vươn lên trên “bản đồ” công nghiệp ô tô quốc gia mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.

Bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh – khẳng định: “Chúng tôi không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn đồng hành với họ trong suốt hành trình phát triển. Một môi trường đầu tư tốt không chỉ là thủ tục nhanh gọn, mà còn là tinh thần phục vụ, sự tin cậy và thấu hiểu”.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng tại Quảng Ninh.

Từ chủ trương “3 đồng hành – 5 hỗ trợ” cho doanh nghiệp, đến cam kết xử lý hồ sơ trong “1 ngày”, Quảng Ninh đã và đang tạo nên một hình mẫu về chính quyền kiến tạo và cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Những nỗ lực này đã đưa Quảng Ninh 7 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), khẳng định vị thế là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc và cải cách hành chính mạnh mẽ nhất.

Ưu tiên doanh nghiệp trong nước

Bà Đặng Thị Thơi – Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH VietNam Jintuo Electronics, nhà đầu tư Trung Quốc tại KCN Thuận Thành 3, tỉnh Bắc Ninh – chia sẻ, doanh nghiệp đã làm ăn ở Bắc Ninh được 12 năm. Công ty quyết định đầu tư ở đây vì có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Điều quan trọng là công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm đẩy mạnh nhằm tạo dựng không gian kinh tế thuận lợi, an toàn cho người dân và doanh nghiệp.

“Tỉnh Bắc Ninh thường xuyên có các hoạt động đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đồng thời thành lập các tổ công tác chuyên trách để giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp” bà Thơi cho biết.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Vĩnh Giang – cho biết, công ty là một doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh Bắc Ninh sở hữu hệ thống hơn 5.000 điểm bán lẻ được số hóa. Theo ông Hùng, tỉnh Bắc Ninh có những cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân. Đơn cử như thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu, nhanh chóng và minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các vấn đề cho doanh nghiệp.

Cơ sở của sản xuất của doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư tại khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ông Hùng cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh và Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển thương mại điện tử và logistics, hỗ trợ tiếp cận vốn và chuyển đổi số, bởi đây là những khó khăn đối với doanh nghiệp.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, Bắc Ninh quan tâm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư là tỉnh Bắc Ninh ưu tiên đặt lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. “Tỉnh Bắc Ninh tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp ngay từ khi đến tìm hiểu đầu tư, mình cam kết với họ những gì từ lần gặp đầu tiên thì phải thực hiện được. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để thu hút đầu tư của doanh nghiệp”, ông Tuấn cho hay.

Một doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói rằng thời gian tới địa phương không chỉ thu hút các dự án công nghệ cao, trở thành thủ phủ công nghiệp bán dẫn, tuân thủ yếu tố về môi trường mà sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các khu công nghiệp dành từ 15-20% diện tích đất để ưu tiên cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước.

Đặc biệt, trong đợt trao chứng nhận đầu tư đợt 2 của tỉnh Bắc Ninh năm 2025, giá trị vốn các dự án mới của doanh nghiệp trong nước đạt 324 triệu USD, nhiều hơn 4 triệu USD so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 320 triệu USD. Trong số dự án cấp mới của doanh nghiệp trong nước, các dự án công nghệ cao chiếm giá trị vốn hơn 90%.

“Tỉnh Bắc Ninh cũng thành lập ban liên lạc của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để kết nối với chính quyền và doanh nghiệp FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nội địa. Đây là cách làm mới của tỉnh Bắc Ninh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trong giai đoạn 2020-2024, tỉnh Bắc Ninh có số doanh nghiệp thành lập mới bình quân gần 3.000 doanh nghiệp/năm, gấp 2,5 lần so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Dự kiến đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có khoảng 26 doanh nghiệp/1000 dân, vượt chỉ tiêu trong Nghị quyết 68 .

Theo Chi cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI, năm 2024 thu hút hơn 4,7 tỷ USD và gần 2,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho biết, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Bắc Ninh năm 2024 đạt 87,96/100 điểm, tăng 14 bậc và tăng 3,35 điểm so với năm 2023.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan