
Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Trung tâm Dân số và Chính sách thuộc Đại học Chapman, việc mua nhà tại 4 khu vực đô thị lớn của California, bao gồm San Jose, Los Angeles, San Francisco và San Diego được đánh giá là “vượt ngoài khả năng chi trả”.
Nghiên cứu đã so sánh giá nhà bình quân với thu nhập bình quân tại 95 thị trường nhà ở trong quý 3 năm 2024. Trong đó, khu vực Honolulu cũng lọt vào top 10 thị trường khó mua nhà nhất, với giá nhà cao gấp 10 lần thu nhập bình quân của người dân.
Tổng cộng có 12 thị trường được xếp vào nhóm “vượt ngoài khả năng chi trả”, và không có thị trường nào được đánh giá là “có thể chi trả được”. Theo định nghĩa trong nghiên cứu, thị trường “vượt ngoài khả năng chi trả” là nơi giá nhà bình quân cao gấp ít nhất 9 lần thu nhập bình quân hằng năm. Thị trường “có thể chi trả được” là nơi tỷ lệ này không vượt quá con số 3.
Thị trường bất động sản đắt đỏ nhất là Hồng Kông, nơi giá nhà trung bình cao hơn 14 lần so với thu nhập trung bình. Australia cũng được xếp vào nhóm quốc gia khó mua nhà, với các thành phố lớn như Sydney, Adelaide và Melbourne đều nằm trong top 10.
Top 10 thị trường nhà ở vượt ngoài khả năng chi trả (tỷ lệ giá nhà/thu nhập)
- Hồng Kông, Trung Quốc: 14,4 Sydney, Australia: 13,8 San Jose, Mỹ: 12,1 Vancouver, Canada: 11,8 Los Angeles, Mỹ: 11,2 Adelaide, Australia: 10,9 Honolulu, Mỹ : 10,8 San Francisco, Mỹ: 10 Melbourne, Australia: 9,7 San Diego, Mỹ: 9,5
“Giá nhà tăng cao phần lớn là hệ quả của các chính sách giới hạn mở rộng ra ngoại ô. Đây vốn là cách phát triển truyền thống của nhiều thành phố”, ông Joel Kotkin, Giám đốc Trung tâm Dân số và Chính sách của Đại học Chapman, nhận định trong nghiên cứu.
Ví dụ, tại California, chính quyền bang đang nỗ lực bảo tồn thêm diện tích đất tự nhiên. Đồng thời, bang này thúc đẩy xây dựng nhà ở với mật độ cao hơn, như chung cư và các loại hình nhà ở phụ trợ như nhà phụ trong sân sau.
Tuy nhiên, theo tác giả của báo cáo Wendell Cox, việc tăng mật độ nhà ở chưa chắc sẽ giải quyết được khủng hoảng thiếu nhà giá rẻ. Các căn hộ mới xây thường nhỏ và đắt đỏ. Chúng không đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của nhiều người mua nhà có mức thu nhập trung bình.
Theo Chủ tịch David Leis của Trung tâm Chính sách Công Frontier, khả năng mua nhà suy giảm là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến tầng lớp trung lưu và lao động.
Tại Mỹ, nhiều người có ngân sách thấp hơn đáng kể so với giá nhà hiện tại, buộc họ phải tiếp tục đi thuê trong thời gian dài hơn. Điều này khiến họ khó tích lũy tiền tiết kiệm, nhất là cho khoản trả trước để mua nhà.
Chuyên gia tài chính Andrew Herzog tại Texas cho biết: “Tôi thường khuyên khách hàng kéo dài quá trình tìm nhà, đồng thời tiếp tục dành tiền cho quỹ khẩn cấp và nghỉ hưu”.
Theo CNBC
Đọc bài gốc tại đây.