Mới đây, chương trình Kính đa chiều đã lên sóng với khách mời là nhiếp ảnh gia Thái Nhàn, nổi tiếng chuyên chụp nghệ sĩ showbiz Việt từ thế hệ trước như Diễm Hương, Diễm My, Trịnh Kim Chi, Thanh Xuân, Y Phụng,… cho đến các thế hệ sau như Ngô Thanh Vân, Minh Hằng, Ngọc Lan… Vào thập niên 90, nhiếp ảnh gia Thái Nhàn chuyên chụp ảnh lịch có tiếng.
Tại chương trình tuần này, vị nhiếp ảnh gia đã chia sẻ về 30 năm làm nghề của mình.

Nhiếp ảnh gia Thái Nhàn
Chuyện tâm linh trong giới mẫu ảnh
Tôi bắt đầu vào nghề chụp ảnh lịch từ những năm 1992, 1993. Đây là giai đoạn nở rộ của các nữ hoàng ảnh lịch như Việt Trinh, Diễm Hương, Diễm My, Kiều Khanh, Võ Sông Hương, Y Phụng,…
Để sản xuất một bộ lịch, tôi phải chuẩn bị từ trước cả năm. Thời đó, vừa qua Tết là các nhà sách, nhà xuất bản đã gọi điện đặt hàng tôi chụp ảnh lịch cho Tết năm sau vì để cho ra đời một bộ ảnh lịch thì phải mất hàng tháng trời từ khâu chụp hình, chọn ảnh, chỉnh sửa, in ấn.
Ngày ấy, tôi còn phải chụp bằng máy phim. Sau buổi chụp, tôi sẽ rọi ra thành một bảng A4 gồm 36 tấm ảnh nhỏ và gửi cho nhà xuất bản, nhà sách. Sau đó, nhà xuất bản sẽ chọn ảnh bằng cách dùng kính lúp soi từng chi tiết và đánh dấu lên bản A4 ấy. Từ đó, tôi sẽ tiến hành rọi ảnh với khổ lớn khoảng 50x75cm hoặc 50×70 cm.
Ảnh lịch chân dung ngày xưa, người mẫu không được để tay lên đầu, không được chống cằm hoặc mặc đồ trắng, đen.
Ngoài ra, họ có tâm linh là cô nào nặng vía là không được lên lịch. Nặng vía có nghĩa một cô người mẫu nào đó được in lên trang bìa nhưng không bán được thì trong giới nhiếp ảnh bắt đầu có lời đồn thì thầm rằng không nên gọi cô đó chụp ảnh vì không bán được lịch.

Diễm Hương
Diễm Hương tự làm một việc tại nhà
Sau khi rọi ảnh, tôi bắt đầu giao hình cho thợ chỉnh sửa ảnh. Đến mùa ảnh lịch, thợ chỉnh ảnh không thể nào làm kịp vì có rất nhiều đơn đặt hàng. Ngày xưa, anh Hoàng Trưởng là đỉnh của lịch. Nếu tôi đến trễ thì hình của anh Hoàng Trưởng chụp đã đầy ở chỗ thợ chỉnh ảnh. Khi đó, tôi phải tìm đến những tên tuổi chỉnh ảnh khác rồi lấy hình đã chỉnh sửa giao cho nhà sách.
Sau đó, nhà sách sẽ đưa hình ảnh lên bản phim. Một lỗi nhỏ như vết trầy trên áo, đốm sáng trên mặt nếu không được chỉnh sửa sẽ bị phát hiện ngay, buộc phải làm lại.
Ngoài ra, với một bộ lịch 7 tờ, tất cả người mẫu sẽ được in trên bìa. Bên trong ảnh lịch lần lượt là các ảnh của các cô gái mặc trang phục sặc sỡ như màu đỏ, vàng, xanh,…
Ngày đó, người mẫu chụp ảnh phải tự trang điểm, chuẩn bị trang phục vì không có khái niệm ekip make up, làm tóc, stylist như bây giờ. Chẳng hạn, tôi gọi điện mời Diễm Hương chụp hình thì cô ấy sẽ tự trang điểm. Riêng ảnh chụp áo dài thì tôi sẽ chuẩn bị trang phục, còn ảnh thời trang thì Diễm Hương sẽ lo quần áo.

Một buổi chụp ảnh thường có nội dung như ảnh áo dài, ảnh chân dung, ảnh thời trang nhằm để in lịch treo trong nhà, ghép với xe máy hoặc trang sức vàng, bạc, đá quý.
Từ một bộ trang phục, nhiếp ảnh gia có thể chụp và sử dụng 3, 4 kiểu ảnh khác nhau. Đặc biệt, đối với những gương mặt nữ hoàng ảnh lịch nổi tiếng như Diễm Hương, dù ảnh không đạt yêu cầu của nhiếp ảnh gia nhưng vẫn sẽ có người lấy.
Một trong những điểm tôi ấn tượng về nữ hoàng ảnh lịch Diễm Hương đó là sự cẩn thận và tỉ mỉ đến mức từng chiếc nón sao cho hợp màu với trang phục.
Diễm Hương chuẩn bị mọi thứ rất kỹ. Trước buổi chụp hình, tôi qua nhà Hương chơi thì thấy cô ấy làm một việc kỳ lạ là ngồi sơn từng chiếc mũ. Hỏi ra mới biết Diễm Hương sơn mũ để hợp với màu áo. Tôi vô cùng bất ngờ.
Đọc bài gốc tại đây.