Theo Reuters , ngày 10/4, Prada đã đạt được thỏa thuận trị giá xấp xỉ 1,38 tỷ USD để mua lại Versace từ Capri Holdings. Đây là sự hợp nhất của hai tên tuổi lớn nhất ngành thời trang Italy.
Thỏa thuận này được đưa ra sau khi Donatella Versace từ chức giám đốc sáng tạo của thương hiệu Versace vào tháng 3.
Thương vụ hợp nhất không chỉ khẳng định giá trị bền vững của thời trang Italy giữa bối cảnh thị trường tài chính biến động, mà còn cho thấy tham vọng của Prada trong việc xây dựng đế chế thời trang của riêng Italy. Đế chế này đủ sức cạnh tranh với những tập đoàn khổng lồ như LVMH hay Kering của Pháp.

Người mẫu diện đồ của Versace tại Tuần lễ thời trang Milan 2025.
Chủ tịch Prada Patrizio Bertelli mong muốn tiếp tục di sản của Versace để tôn vinh và diễn giải lại tính thẩm mỹ táo bạo, vượt thời gian.
Prada đã đàm phán suốt nhiều tháng để mua lại nhà mốt do Gianni Versace sáng lập vào những năm 1970. Theo Financial Times, hôm 9/4, Prada tiến gần đến việc hoàn tất thương vụ sau khi đạt được mức chiết khấu hơn 200 triệu USD do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Prada đang nổi lên trong lĩnh vực hàng xa xỉ giữa thời kỳ suy giảm toàn cầu. Doanh số của thương hiệu thời trang này tăng mạnh trong quý 3/2024. Trong khi đó, Versace bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Thương hiệu này cần được tái khởi động và làm mới hình ảnh.
Versace được nhà thiết kế Gianni Versace thành lập tại Milan (Italy) vào năm 1978. Những thiết kế của Gianni chịu ảnh hưởng của họa sĩ theo trường phái nghệ thuật đại chúng Andy Warhol, nghệ thuật La Mã và Hy Lạp cổ đại.

Gianni Versace và em gái.
Năm 1994, Versace nổi tiếng toàn cầu khi minh tinh Elizabeth Hurley mặc chiếc đầm đen cài ghim băng vàng của hãng đến buổi công chiếu phim Bốn đám cưới và một đám tang.
Sau khi Gianni Versace bị sát hại, em gái ông là Donatella đưa hãng lên tầm cao mới, xây dựng mối quan hệ với nhiều ngôi sao như Taylor Swift, Anne Hathaway, Rihanna, Lady Gaga, Jennifer Lopez… Từ năm 2018, doanh thu của Versace lao dốc.
Đọc bài gốc tại đây.