Doãn Quốc Đam và MC Hoàng Linh là hai nghệ sĩ bị gọi tên đầu tiên sau khi đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả bị triệt phá. Cả hai từng xuất hiện trong video quảng cáo cho dòng sữa Cilonmum – một trong những thương hiệu có tên ở đường dây trên.
Quảng cáo sữa giả, MC Hoàng Linh vẫn im lặng
Tối 16/4, Doãn Quốc Đam đính chính, cho rằng video được ghi hình cách đây 2 năm, với bối cảnh và nhân vật dựa trên hoạt cảnh của nhân vật Thành trong bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình mà anh từng tham gia.
“Tất cả mối quan hệ trong video đều là hư cấu phục vụ cho kịch bản quảng cáo.Thời điểm đó, nhãn hàng xây dựng ý tưởng quảng cáo lấy cảm hứng từ hiệu ứng tích cực của bộ phim”, Doãn Quốc Đam cho hay.


Doãn Quốc Đam và MC Hoàng Linh từng quảng cáo cho nhãn hiệu sữa nằm trong đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả.
Doãn Quốc Đam nhấn mạnh trong video quảng cáo, anh chỉ giới thiệu sản phẩm theo đúng kịch bản mà anh và nhãn hàng thống nhất, không có bất kỳ lời lẽ nào hô hào hay kêu gọi người dân mua, sử dụng sản phẩm.
“Đây đơn thuần là một hoạt động quảng cáo như nhiều quảng cáo khác mà mọi người vẫn thường thấy, các diễn viên được mời đóng nhập vai các thành viên trong gia đình để truyền tải thông điệp của nhãn hàng với sản phẩm của họ”, nam diễn viên lý giải.
Doãn Quốc Đam khẳng định anh “không có thẩm quyền, không thể đến tận nơi giám sát quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm có thay đổi thành phần, chất lượng”.
Tuy nhiên, một số khán giả phân tích Doãn Quốc Đam đang cố biện minh cho sai lầm của mình. Bởi trong video, anh giới thiệu sản phẩm như một chuyên gia và người đã trải nghiệm, sử dụng sản phẩm không đơn thuần là quảng cáo vài chục giây hay 1-2 phút xuất hiện trên truyền hình.
“Khi tôi tìm hiểu, đây chính là dòng sữa hàng đầu. Nhiều phụ huynh phản hồi sữa tốt” hay “Tôi giới thiệu cho nhiều đồng nghiệp dùng thử và không ai chê”… là những lời quảng cáo của Doãn Quốc Đam.
“Đam nói mình không có trách nhiệm gì thì cũng hơi thiếu trách nhiệm đấy. Quảng cáo như là con mình đã dùng sữa (dù là con trong phim), điều này vô tình tạo ra sự tin tưởng từ những người hâm mộ. Còn nếu có trách nhiệm hơn thì cần phải yêu cầu nhãn hàng ghi rõ là: Nội dung video là minh họa”, “Quảng cáo thuốc dạ dày làm tôi tin tưởng mua uống mấy hộp không khỏi. Người nổi tiếng không nên quảng cáo kiểu đó, hãy quảng cáo những gì mình đã trải nghiệm”… một số khán giả phản hồi.
Tương tự Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh từng dành nhiều lời có cánh cho nhãn hiệu sữa Cilonmum. Cô giới thiệu cùng lúc nhiều dòng sữa dành cho các đối tượng khác nhau như phụ nữ có dự định mang thai, đang mang thai và cho con bú, trẻ từ 0-16 tuổi, những người trước và sau phẫu thuật, gầy yếu, sức khoẻ kém cần bồi bổ, người suy thận, tiểu đường, bị bệnh tim mạch, trẻ nhỏ có hệ tiêu hoá nhạy cảm, dị ứng sữa bò, biếng ăn chậm lớn, người lớn tuổi bị loãng xương…
Hiện tại, MC Hoàng Linh chưa lên tiếng dù người hâm mộ bày tỏ bức xúc, chỉ trích.

Không chỉ MC Hoàng Linh, nhiều nghệ sĩ Việt bị chỉ trích vì nhận quảng cáo tràn lan, gây mất niềm tin với khán giả.
Đề xuất cấm sóng toàn diện nghệ sĩ vi phạm hoạt động quảng cáo
Trao đổi với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết nghệ sĩ, người nổi tiếng không có lỗi khi tham gia quảng cáo cho thương hiệu hay sản phẩm, nếu sản phẩm mà họ quảng cáo đảm bảo chất lượng, đầy đủ giấy tờ pháp lý của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, cần lên án hành vi các nghệ sĩ, KOLs quảng cáo sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng nhằm đánh đổi lợi ích kinh tế. Đáng buồn là thực trạng trên ngày càng gia tăng và phức tạp.



MC Quyền Linh, BTV Quang Minh, MC Cát Tường từng lên tiếng xin lỗi liên quan tới hoạt động quảng cáo.
“Tôi không bàn đến khía cạnh ai là nạn nhân hay tội đồ của hoạt động quảng cáo sai sự thật, mà mấu chốt nằm ở trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ khi họ quảng cáo những sản phẩm giả, kém chất lượng. Là nghệ sĩ, người của công chúng, họ có yêu cầu kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận đo lường của cơ quan chức năng về sản phẩm trước khi họ tham gia quảng cáo không? Hay vì lợi ích kinh tế mà bất chấp, nhắm mắt làm ngơ và tiếp tay cho sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng đến với người dân? Việc đổ lỗi hay thoái thác trách nhiệm của người nghệ sĩ, KOLs khi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi quảng cáo sai sự thật chỉ chứng tỏ sự vô cảm và xuống cấp của danh xưng nghệ sĩ mà khán giả đã tin yêu dành cho họ”, chuyên gia nêu quan điểm.
Ông Ngô Hương Giang phân tích nghệ sĩ cần biết rõ về sản phẩm mà mình sẽ tham gia quảng cáo, bao gồm nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm thể hiện qua chứng thư kiểm định của cơ quan chức năng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.
Nghệ sĩ cần tỉnh táo trong việc lựa chọn sản phẩm để quảng cáo, nên chọn những đơn vị, nhà sản xuất uy tín trên thị trường, được các cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng sản phẩm.
Đặc biệt, khi phát hiện sản phẩm mình tham gia quảng cáo là sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ cần lên tiếng xin lỗi và cảnh báo người tiêu dùng đang dùng sản phẩm hoặc sẽ mua sản phẩm, để hạn chế hậu quả không mong muốn về sức khỏe, tính mạng.
Chuyên gia đề xuất “phong sát toàn diện” đối với những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, bị khán giả “tố” hoặc cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt hành chính nhiều lần.
“Cần có chế tài xử phạt hành chính nặng tay đối với hành vi quảng cáo sai sự thật sản phẩm tiêu dùng kém chất lượng dù chưa kịp gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Cần khởi tố hình sự đối với nghệ sĩ, KOLs quảng cáo sai sự thật, bán sản phẩm giả, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng, hô biến tác dụng của thực phẩm chức năng thành thuốc chữa bệnh hay biệt dược”, chuyên gia Ngô Hương Giang nhấn mạnh.
Đọc bài gốc tại đây.