Trang chủ Giải tríHậu trường Phát sóng đời tư kiếm tiền: Sự trượt dốc đạo đức thời hiện đại?

Phát sóng đời tư kiếm tiền: Sự trượt dốc đạo đức thời hiện đại?

bởi Admin
0 Lượt xem

Tôn sùng drama : Sự trượt dốc giá trị và tha hóa đạo đức?

Chỉ sau một buổi tối, livestream của ViruSs thu hút đến 4,8 triệu lượt xem, đỉnh điểm lên đến 1,6 triệu người theo dõi cùng lúc. Điều đáng nói, câu chuyện được hàng triệu khán giả quan tâm không phải là chủ đề ý nghĩa hay thông tin hữu ích.

Buổi livestream hút view kia xoay quanh ồn ào, drama tình cảm của những người được cho là nổi tiếng, có nhiều fan trên mạng xã hội. Và khi nhìn lại, con số này khiến không ít người phải giật mình.

Con số gần 5 triệu lượt xem không chỉ phản ánh sự tò mò thông thường của công chúng, mà còn cho thấy cách mạng xã hội ngày nay đang vận hành như sân khấu lớn, nơi mọi câu chuyện riêng tư đều có thể trở thành một “sự kiện giải trí” đại chúng.

Điều đáng nói ở đây không phải là việc có một bộ phận khán giả quan tâm đến drama – điều vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, mà là ở mức độ lan tỏa và cường độ mà nó chiếm sóng trong không gian truyền thông hiện đại.

- Ảnh 1.
- Ảnh 2.

ViruSs và Ngọc Kem vô tư phơi bày đời tư trên livestream, đổi lại là lượt xem và quà tặng.

Một câu chuyện riêng tư, dù có phần kịch tính, cũng không nên trở thành tâm điểm của hàng triệu người. Nhất là khi nó không mang lại giá trị tích cực hay đóng góp gì đáng kể cho xã hội.

Hàng giờ dành để theo dõi, bình luận, tranh luận về drama đồng nghĩa với việc hàng triệu người đang lãng phí thời gian quý báu của mình vào một nội dung vô nghĩa.

Hay nói chính xác hơn, một loại “rác thông tin” được ngụy trang dưới lớp vỏ của sự giải trí. Từ những vụ bóc phốt giới showbiz , các cuộc khẩu chiến bị công khai, đến những màn vạch mặt được dàn dựng, công chúng ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy tiêu thụ nội dung giật gân thay vì tìm kiếm tri thức, sự thấu hiểu hay chiều sâu.

Sự thật đáng lo hơn nằm ở việc công chúng ngày càng đắm chìm trong những vụ drama tình cảm không chỉ là xu hướng giải trí mà còn là biểu hiện của sự sụt giảm hệ giá trị trong xã hội hiện đại.

Khi những câu chuyện cá nhân được tôn lên thành sự kiện, khi scandal trở thành đề tài chính của dư luận, chúng ta phải tự hỏi: Những giá trị nào đang thực sự được đề cao?

Sự tôn sùng drama cho thấy điều đáng buồn, những điều đáng để quan tâm như lòng nhân ái, đạo đức, sáng tạo, tri thức đang dần bị lu mờ trước những điều phù phiếm.

Khi cá nhân có thể kiếm tiền từ việc “phát sóng” đời tư, còn khán giả sẵn sàng tiêu tốn thời gian và tiền bạc để theo dõi, thì đây không còn là sự hiếu kỳ vô hại nữa mà là biểu hiện của một xã hội đang lệch chuẩn trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin.

Thậm chí, hành vi “tiêu thụ drama” còn dễ dẫn đến sự vô cảm hoặc thỏa mãn ngầm trước nỗi đau của người khác. Cảm giác được đứng trên lập trường đạo đức để phán xét có thể khiến người ta thấy hả hê.

Nhưng về lâu dài, điều bào mòn khả năng đồng cảm làm giảm sự tôn trọng lẫn nhau và góp phần tạo nên cộng đồng mạng đầy thù ghét, phán xét và thiếu lòng vị tha.

- Ảnh 4.

Thạc sĩ, nhà báo Thanh Huyền cho rằng công chúng ngày càng đắm chìm trong những vụ drama tình cảm không chỉ là xu hướng giải trí mà còn là biểu hiện của sự sụt giảm hệ giá trị trong xã hội hiện đại.

Khán giả trả tiền để được hóng drama và phán xét

Xã hội ngày càng xuất hiện điều không kém phần mâu thuẫn: Khán giả một mặt chỉ trích streamer ViruSs, mặt khác sẵn sàng bỏ tiền để được vào bình luận trong buổi livestream. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của nền văn hóa “thị phi”, nơi phẫn nộ và tò mò cùng tồn tại trong một con người.

Nhiều người không ủng hộ nhân vật chính, nhưng vẫn muốn “coi cho biết”, thậm chí muốn can dự vào cuộc tranh cãi, góp lời mạt sát. Nó giống như một dạng “nghiện drama”, nơi những nội dung tiêu cực mang lại cảm giác hồi hộp, gay cấn như xem phim.

Chính điều này tiếp tay cho việc biến drama thành mô hình kiếm tiền, không chỉ là công cụ bộc bạch cảm xúc, mà là chiến lược tạo lợi nhuận của những người biết cách khai thác đám đông.

- Ảnh 5.
- Ảnh 6.

Khán giả sẵn sàng bỏ số tiền, quà tặng lớn để hóng drama tình ái.

Nguy cơ lớn hơn nữa là ranh giới giữa việc lên án cái xấu và vô tình đẩy cái xấu thành “ngôi sao” đang bị xóa nhòa. Trong nhiều trường hợp, người bị chỉ trích không chìm xuống mà ngược lại, trở nên nổi tiếng hơn, nhiều người theo dõi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn từ chính scandal của mình.

Khi công chúng đổ dồn sự chú ý vào vụ việc, thuật toán mạng xã hội sẽ hiểu rằng đó là nội dung hấp dẫn và đẩy mạnh hiển thị. Thế là, dù người ta đang chỉ trích, nội dung đó vẫn trở thành “trend”. Cuối cùng, những người tạo ra drama không hề bị trừng phạt bởi dư luận mà còn được lợi từ chính những gì họ bị lên án.

Những người tạo drama không hề vô tình. Họ hiểu rõ cách vận hành của truyền thông và tâm lý công chúng. Họ biết cách dẫn dắt, tung hỏa mù, hứa hẹn “sự thật gây sốc” để giữ chân khán giả.

Và khán giả, vì không muốn bỏ dở câu chuyện, vẫn tiếp tục theo dõi. Tâm lý “phải biết cái kết” khiến họ mắc kẹt trong vòng xoáy đó, vừa phản đối, vừa không thể dứt ra.

Vì vậy vấn đề không chỉ nằm ở người tạo drama, mà ở chính khán giả. Chừng nào công chúng vẫn còn tiếp tục tiêu thụ những nội dung rẻ tiền, chừng đó drama vẫn còn đất sống. Và chỉ khi thói quen tiêu thụ thay đổi, khi người ta ưu tiên những giá trị thật sự hơn là trò tiêu khiển nhất thời thì vòng lặp tiêu cực mới có thể được phá vỡ.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan