Trong lịch sử tình báo Việt Nam, một người phụ nữ vừa tài hoa, vừa xinh đẹp, đủ sức khiến kẻ địch nao lòng, đủ bản lĩnh để đứng giữa lòng địch mà gây dựng phong trào, thu thập tin tức, tổ chức lực lượng và chiến đấu thầm lặng suốt nhiều thập kỷ.
Bà là thiếu tá tình báo, Anh hùng LLVTND Lâm Thị Phấn – nguyên mẫu cho tiểu thuyết và phim truyền hình nổi tiếng
Người đẹp Tây Đô.

Nữ tình báo Lâm Thị Phấn – nguyên mẫu “Người đẹp Tây Đô”.
Sinh năm 1918 tại quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là quận Ninh Kiều), Lâm Thị Phấn là con gái của ông Lâm Văn Phận – một nhà giáo, đại điền chủ danh tiếng ở vùng Tây Nam Bộ. Ngay từ nhỏ, cô Phấn được cho học trường dòng Taberd – nơi đào tạo con gái giới thượng lưu, thông thạo tiếng Pháp, sớm có bằng tú tài và nổi tiếng vì tư tưởng cấp tiến về nữ quyền, bình đẳng giới.
Vóc dáng thanh tú, nước da trắng hồng và khuôn mặt tươi sáng khiến cô trở thành “hoa khôi Trường Taberd” được nhiều người ngưỡng mộ.
Năm 17 tuổi, cô được gả vào nhà Bá hộ Phan Văn Bì – “Vua lúa gạo Nam kỳ” với gia sản bề thế bậc nhất lục tỉnh. Bà trở thành “mợ Ba” – vợ của Phan Tấn Dĩnh, cháu ruột công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Gia đình chồng kỳ vọng một cô gái tài sắc như Phấn có thể giúp chấn chỉnh, “neo giữ” quý tử ăn chơi trác táng.
Thế nhưng, thực tế không như kỳ vọng. Dù lao vào việc quản lý gia sản, quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong nhà chồng, cô Phấn vẫn không thể níu kéo một người chồng suốt ngày tụ họp bạn bè, đòi tiền tiêu xài và nhiều lần thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ khi không vừa ý. Từ một cô gái sống trong nhung lụa, Phấn thấm dần nỗi cay đắng của kiếp phụ nữ bị xem nhẹ và khao khát tìm một con đường sống có ý nghĩa hơn.
Chính trong những lần tự mình đi thu tô, tiếp xúc với tá điền nghèo khổ, bà Phấn bắt đầu chứng kiến rõ bộ mặt thật của xã hội thuộc địa. Người nông dân lam lũ bị bóc lột, đàn bà bị coi rẻ, bản thân bà – một người học thức – cũng chỉ là món hàng trao đổi hôn nhân. Nỗi uất ức và khát khao công bằng xã hội bắt đầu thôi thúc bà phản kháng.

Bà Phấn khi chưa nghỉ hưu.
Ông Phan Thế Tài – cháu ruột “Người đẹp Tây Đô” kể lại: “
Lúc đầu cô Hai về làm dâu ở Bạc Liêu cũng được gia đình chồng tôn trọng vì cô học cao, biết nói tiếng Pháp rành rọt, nên mọi hoạt động thu tô thuế đều qua tay cô Hai hết.
Khi xuống sống chung với tá điền (nông dân làm ruộng thuê cho địa chủ) thì cô Hai mới ý thức hệ được là đời sống nông dân và ngay cả chính mình đang bị áp bức bởi đế quốc Pháp và chuẩn bị đến đế quốc Mỹ nên mình phải tự giải phóng mình và giải phóng dân tộc. Từ đó, cô Hai tiếp thu ý thức giải phóng dân tộc rất nhanh và đi theo cách mạng”.
Năm 1944, Lâm Thị Phấn dứt áo khỏi nhà chồng, từ bỏ mọi nhung lụa, theo cách mạng và về hoạt động ở huyện Giá Rai, Bạc Liêu. Bà đứng ra gây dựng phong trào phụ nữ cứu quốc, trở thành Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện.
Năm 1950, bà được đứng vào hàng ngũ Đảng, trở thành cán bộ tình báo chuyên nghiệp với bí danh Thanh Phong tại Cần Thơ. Bà phụ trách thu thập thông tin trong bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Cần Thơ, vận chuyển vũ khí, đưa đường cho đặc công và giải cứu chiến sĩ bị bắt.
Đằng sau vẻ ngoài quý phái là trí tuệ sắc bén, khả năng ứng biến linh hoạt và lòng can đảm phi thường. Em gái bà Phấn, bà Lâm Thị Phết cũng là thành viên của tổ điệp báo này. Hai chị em hỗ trợ nhau trong các nhiệm vụ mang đầy thách thức và hiểm nguy.

Nguyên mẫu “Người đẹp Tây Đô” được chuyển thể thành phim truyện cùng tên do đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện. Các diễn viên của đoàn phim chụp ảnh cùng Thiếu tá Lâm Thị Phấn.
Sống giữa lòng địch, với nhan sắc và trí tuệ vượt trội, bà Lâm Thị Phấn nhanh chóng trở thành nhân vật nổi bật, được mệnh danh là “thần Vệ Nữ phương Đông”. Dưới vỏ bọc nàng tiểu thư quý phái, bà thường lui tới các câu lạc bộ sĩ quan Pháp để khai thác tin tức và lôi kéo sĩ quan gốc Việt về với cách mạng.
Trong số những người bà cảm hóa có ông Trần Hiến – phiên dịch viên lai Pháp, từng được quân đội Pháp tin cậy. Từ đồng chí, họ trở thành vợ chồng, cùng nhau lập nên nhiều chiến công thầm lặng cho lực lượng tình báo ở Tây Đô.
Sau Hiệp định Genevé năm 1954, bà ra Bắc tập kết và được cử sang Liên Xô đào tạo chuyên sâu về tình báo. Năm 1962, bà được đưa trở lại miền Nam, hoạt động trong đội ngũ đầu não cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Với vẻ đẹp trời ban, tiếng Pháp trôi chảy, kinh nghiệm chính trị và bản lĩnh thép, bà dễ dàng chinh phục lòng tin của nhiều sĩ quan và quan chức Sài Gòn, từ đó khai thác các thông tin tối mật, phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Bà từng tham gia các cuộc họp tuyệt mật, luồn sâu vào nội bộ địch mà không để lại dấu vết nghi ngờ nào. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của chiến tranh, bà góp phần tạo điều kiện buộc Dương Văn Minh đầu hàng trưa 30/4/1975, đánh dấu ngày lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ chiến đấu bằng trí tuệ và lòng quả cảm, bà Lâm Thị Phấn còn là người tiên phong trong việc gây dựng phong trào phụ nữ kháng chiến ở miền Tây, tổ chức các lớp huấn luyện, xây dựng cơ sở hạ tầng bí mật cho hoạt động tình báo.

Bà Phấn và người chồng thứ ba Lê Văn Thích.
Sau khi miền Nam được giải phóng, bà Phấn được điều về Quân khu 9 công tác và về hưu năm 1984. Với thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Thiếu tá Lâm Thị Phấn đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương chiến công Nhất, Nhì, Ba và nhiều huân huy chương khác.
Cuối đời, bà sống giản dị bên người chồng thứ ba – ông Lê Văn Thích. Bà qua đời năm 2010, thọ 92 tuổi, để lại một di sản tinh thần vô giá – biểu tượng sống động về người phụ nữ Việt Nam tài sắc, bất khuất, hy sinh vì Tổ quốc.
Cuộc đời bà Lâm Thị Phấn không chỉ là thiên anh hùng ca tình báo mà còn là nguồn cảm hứng cho văn học, điện ảnh. Hình tượng “Người đẹp Tây Đô” vẫn mãi sống trong lòng công chúng như một biểu tượng của trí tuệ, khí phách và tình yêu nước sâu sắc.
Đọc bài gốc tại đây.