Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là chiến dịch quân sự quy mô lớn của quân và dân ta, đồng loạt tấn công vào hầu hết các thành phố, công trình quân sự trọng yếu của Mỹ – Ngụy.
Diễn ra qua ba đợt từ đêm Giao thừa Tết Mậu Thân đến tháng 9, chiến dịch làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris.

Nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa – biệt danh Chính Nghĩa hồi còn trẻ.
Ngay đêm tấn công đầu tiên (rạng sáng 31/1/1968), các lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quận lỵ trên khắp miền Nam.
Tại Sài Gòn, các đội biệt động của Giải phóng quân nhắm vào những mục tiêu then chốt như Tòa Đại sứ quán Mỹ, Dinh Tổng thống (Dinh Độc Lập), Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất… Trong số những chiến sĩ tham gia trận đánh Dinh Độc Lập đầy cam go, có một bóng hồng duy nhất là nữ biệt động Vũ Minh Nghĩa.
Tuổi thơ làm giao liên và hành trình gia nhập biệt động
Bà Vũ Minh Nghĩa sinh ra tại Củ Chi, TP.HCM, trong gia đình 8 anh em đều tham gia cách mạng. Ngay từ nhỏ, bà được mẹ giao nhiệm vụ quan trọng là đưa cơm cho cán bộ trú ẩn trong dân.
Với sự thông minh và nhanh nhẹn, bà trở thành cô giao liên nhỏ bé nhưng gan dạ. Mỗi ngày đến trường, ngoài sách vở, trong cặp của bà còn có những bức thư mật, chuyển tin tức đến những người đang làm nhiệm vụ. Chính nhờ vỏ bọc học sinh này, bà Nghĩa luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 16 tuổi, bà Nghĩa vinh dự được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, từ đó nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình. Cơ hội để bà cống hiến trực tiếp cho cách mạng cuối cùng cũng đến.
Thời điểm đó, Đội 5 Biệt động Sài Gòn đang hoạt động tại Củ Chi tìm kiếm một thanh niên gan dạ để bổ sung lực lượng. Được chi bộ, chi đoàn địa phương tín nhiệm và giới thiệu, bà Nghĩa đã gia nhập đơn vị này.
“Chiến sĩ tên lửa” và trận đánh định mệnh ở Dinh Độc Lập
Khi tham gia vào đội biệt động Sài Gòn, bà có biệt danh Chính Nghĩa, cái tên mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở bà về lý tưởng của bản thân: dù trong mọi hoàn cảnh, phải luôn chính trực và bảo vệ chính nghĩa.
Sau khi gia nhập lực lượng Biệt động Sài Gòn, bà Nghĩa trải qua nhiều khóa huấn luyện khắc nghiệt, từ cách sử dụng bản đồ, cách lái xe Mobylette cho đến cách đi đứng, ăn mặc sao cho phù hợp với hoạt động bí mật trong nội đô. Bà ý thức rằng để trở thành chiến sĩ thực thụ, bản thân phải vượt qua mọi thử thách.
Từ đó, bà không ngừng học hỏi và rèn luyện để trở thành chiến sĩ xuất sắc của Biệt động Sài Gòn, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như giao liên, trinh sát, vận chuyển vũ khí, thư từ giữa nội và ngoại thành. Bà Nghĩa trở thành “Chiến sĩ Tên Lửa”, với ý nghĩa “Người giao liên nhanh và chính xác như mũi tên lửa”.

Bà Chính Nghĩa luôn tích cực tham gia chiến đấu, có tên gọi “Chiến sĩ Tên Lửa”.
Năm 1967, căn cứ của Đội 5 bị lộ, phần lớn cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt, đơn vị phải lui về căn cứ mới. Cuối năm 1967, Bộ chỉ huy Biệt động Sài Gòn điều động những người ưu tú từ các đơn vị khác để thành lập Đội 5 mới do ông Tô Hoài Thanh làm chỉ huy trưởng, chuẩn bị công tác vào Sài Gòn để lên kế hoạch chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Bà Vũ Minh Nghĩa nhớ lại những ngày chuẩn bị căng thẳng: “Theo kế hoạch, đội biệt động của tôi do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy sẽ đánh vào Dinh Độc Lập và giữ trận địa trong khoảng 20 – 30 phút chờ quân chi viện tới. Đây là mục tiêu đặc biệt quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi động thái khác thường xung quanh mục tiêu sẽ bị địch kiểm tra ráo riết và sẵn sàng bắn hạ”.
Trong đợt tấn công năm 1968, là nữ nhưng bà chủ động xin cấp trên được trực tiếp chiến đấu. Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động gồm 15 chiến sĩ, trong đó có duy nhất bà Chính Nghĩa, khi ấy mới 19 tuổi, đi trên ba xe tải nhỏ và hai xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập.
Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200 kg có nhiệm vụ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, các chiến sĩ bị mắc kẹt ở cổng. 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào… Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ biệt động anh dũng chiến đấu ngay bên ngoài cổng, dồn lực quyết chiến đến hơi thở cuối cùng.
Kiên trung trong ngục tù và ngày trở về lịch sử
Sau trận đánh không thành ở Dinh Độc Lập, bà Chính Nghĩa bị địch bắt. Bà Nghĩa, khi đó 21 tuổi, phải chôn vùi tuổi thanh xuân sau song sắt, giữa bốn bức tường. Dù bị tra tấn tàn bạo, dã man, bà kiên cường quyết không khai nửa lời.
Bà bị giảm qua nhiều nhà tù khét tiếng, từ Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Bà Nghĩa (giữa) được trao trả tự do tại sân bay Lộc Ninh, Bình Phước. (Ảnh: NVCC)
Năm 1974, với thắng lợi của Hiệp định Paris, bà Chính Nghĩa được trả tự do cùng hàng ngàn chiến sĩ cách mạng khác. Chưa đầy một năm sau, nữ chiến sĩ biệt động kiên trung ấy lại có mặt cùng đội quân giải phóng Tiến về Sài Gòn trong những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc, vỡ òa hạnh phúc khi chứng kiến chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, đất nước hoàn toàn giải phóng.
“Khi nghe tin tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đứng lặng người giữa biển người reo hò. Cảm giác không thể tả bằng lời. Mình sống rồi, đất nước cũng sống lại. Cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) tung bay khắp nơi.
Dân đổ ra hai bên đường, reo hò, vẫy tay chà o đón bộ đội. Có người rơi nước mắt, có người hét lớn: Bộ đội về rồi! Giải phóng rồi!’” , bà Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Bà Vũ Minh Nghĩa tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.
Sau thời khắc lịch sử, đơn vị của bà nhận lệnh đóng quân tại Tân Định. Cùng với các cán bộ địa phương, bà tham gia vận động người dân ổn định đời sống, hỗ trợ các tổ tiếp quản tiếp tục giữ trật tự xã hội.
Ở tuổi xế chiều, bà Chính Nghĩa đang sống cùng gia đình người con trai – một chiến sĩ công an nhân dân tại ngôi nhà trên đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TP. HCM). Nay, dù sức khỏe đã giảm sút nhiều do ảnh hưởng từ đòn roi của kẻ thù trong chiến tranh, nhưng mọi người vẫn thường gặp bà trong các dịp lễ kỷ niệm, giao lưu với các nhân chứng lịch sử.
Đọc bài gốc tại đây.