Trong lịch sử sân khấu và điện ảnh Việt Nam, có những cái tên trở thành huyền thoại không chỉ vì vẻ đẹp, tài năng mà còn bởi số phận đầy bi kịch. Trong số đó, nghệ sĩ Thanh Nga là một tượng đài chói sáng nhưng yểu mệnh, khiến người đời tiếc thương cho một tuyệt sắc giai nhân “trăm năm có một”, ra đi trong hoàn cảnh đau lòng khi mới 36 tuổi.

Thanh Nga được ví đẹp như một bức tượng biết nói

Thời đó, người ta bảo không có người đàn ông nào đứng gần Thanh Nga mà không bị choáng ngợp bởi nhan sắc và thần thái của cô
Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1942 tại Tây Ninh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ cô là bà Bầu Thơ, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất giới cải lương thời bấy giờ.
Bà bầu Thơ đã sớm phát hiện và bồi dưỡng tài năng thiên bẩm của con gái. Thanh Nga bước lên sân khấu từ khi còn bé. Đến tuổi đôi mươi, cô đã là một ngôi sao sáng rực rỡ trong làng cải lương miền Nam, cũng là một trong “tứ đại mỹ nhân” nổi tiếng thời bấy giờ.

Nghệ sĩ Thanh Nga diễn cùng nghệ sĩ Thành Được trên sân khấu cải lương, cả hai “đẹp như một bức tranh”

Thanh Nga xinh đẹp, tỏa sáng trên sân khấu
Giọng ca của Thanh Nga không quá bi lụy, nhưng có sức truyền cảm lạ kỳ. Cô có thể hóa thân vào mọi loại vai, từ những người phụ nữ hiền hậu, thủy chung đến những vai nữ tướng oai phong. Tài năng diễn xuất và sắc vóc nổi bật khiến khán giả yêu mến gọi cô là “nữ hoàng sân khấu cải lương” suốt những năm 1960 – 1970.
Thanh Nga là người đã đưa cải lương chạm đến những đỉnh cao nghệ thuật, với những vai diễn kinh điển như Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Mã Nhi Nương Bửu (Gió ngược chiều) Giáng Hương (Sân khấu về khuya), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Thái hậu Dương Vân Nga trong vở cùng tên…. Đặc biệt, vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh chính là đỉnh cao sự nghiệp của cô, khiến nhiều thế hệ khán giả rơi nước mắt và đến nay vẫn được xem là hình mẫu khó ai vượt qua.

Không chỉ có tài năng, Thanh Nga còn nổi tiếng bởi vẻ đẹp vừa đài các, quý phái, vừa lộng lẫy, rực rỡ, được ví như minh tinh màn bạc thời ấy. Ở thời kỳ đỉnh cao, tên tuổi Thanh Nga là bảo chứng cho mọi suất diễn cháy vé.
Nhiều người trong giới từng nhận xét: “Thanh Nga bước ra sân khấu, cả khán phòng im phăng phắc. Không ai dám ho vì sợ bỏ lỡ một ánh mắt hay một nụ cười của cô ấy”. Vẻ đẹp ấy không chỉ thu hút khán giả mà còn khiến bao văn nghệ sĩ cùng thời si mê.
Được nhiều người theo đuổi, nhưng tình duyên của Thanh Nga lại lận đận. Sau vài mối tình dang dở và một cuộc hôn nhân không trọn vẹn, cô tái hôn với ông Phạm Duy Lân.
Ông Lân yêu thương vợ, đi đâu cũng tháp tùng, bên cạnh Thanh Nga 24/24. Cả hai có với nhau một người con trai là Phạm Duy Hà Linh. Nhưng rồi cuộc sống êm đềm và hạnh phúc của vợ chồng Thanh Nga lại khép lại bằng cái chết đầy bi kịch của họ vào năm 1978.

Thuở sinh thời, chồng Thanh Nga rất yêu thương vợ, đi đâu cũng tháp tùng, bên cạnh vợ 24/2
Đêm 26/11/1978, khi vừa kết thúc suất diễn ở rạp hát Cao Đồng Hưng, vợ chồng Thanh Nga trở về nhà. 23h30 khuya hôm ấy, một kẻ lạ mặt đã xông vô xe chĩa súng đòi bắt cóc con trai cô. Trong lúc cố gắng bảo vệ con trai, Thanh Nga và chồng đã bị bọn bắt cóc nổ súng sát hại.
Nhớ lại biến cố kinh hoàng năm xưa khiến mình trong một đêm mất đi cả cha lẫn mẹ, nghệ sĩ Hà Linh, con trai Thanh Nga kể, anh chứng kiến cha bị bắn, mẹ đã đau đớn thốt lên: “Bố chết rồi, mẹ con mình chết theo bố thôi”.
Một lúc sau khi mẹ anh cũng bị bắn, Hà Linh lồm cồm bò dậy, cố gắng bò ra khỏi xe về phía cửa nhà nhưng không nổi. Sau đó, mọi người trong nhà hốt hoảng chạy ra bế anh vào.
Cái chết của Thanh Nga gây chấn động khắp miền Nam. Cả Sài Gòn chìm trong tang tóc. Hàng nghìn người hâm mộ từ khắp nơi kéo về tiễn đưa nữ nghệ sĩ tài danh. Trên đường phố, không khí nặng trĩu, tiếng khóc nức nở xen lẫn lời tiếc thương.
Không lâu sau đó, cơ quan công an đã phá án. Hai hung thủ bị bắt và nhận án tử hình.

Thanh Nga không chỉ là ngôi sao sáng của một thời kỳ vàng son, mà còn là biểu tượng bất tử của làng nghệ thuật Việt
Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở tuổi 36 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Năm 1984, cô được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2015, tên cô được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM.
Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng tên tuổi Thanh Nga chưa bao giờ phai mờ trong lòng công chúng. Nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này như NSND Lệ Thủy, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ… đều xem Thanh Nga là tượng đài nghệ thuật. Cô là người đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của cải lương hiện đại, là hình mẫu về sự tận tụy với nghề và đạo đức nghệ sĩ.
Câu chuyện cuộc đời của Thanh Nga là bản bi ca thấm đẫm nước mắt của một người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, sống và chết cho nghệ thuật, một “tuyệt sắc giai nhân” một lần đến rồi đi, để lại nỗi nhớ ngàn năm.
Đọc bài gốc tại đây.