Chu Long Quảng sinh năm 1939 tại Tây An (Trung Quốc), xuất thân từ Học viện Nghệ thuật Lan Châu. Ông nổi tiếng với vai diễn người nông dân chất phác nhưng kiên cường trong Địa đạo chiến , bộ phim đạt tới 1,8 tỷ lượt xem. Bên cạnh đó, ông từng giữ nhiều vị trí giáo dục: Giảng viên, Viện phó Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.
Tuy vậy, chính Tây Du Ký mới đưa hình ảnh ông trở thành biểu tượng điện ảnh bất hủ. Phim được phát sóng hơn 2.000 lần trên toàn thế giới, và hình tượng Phật Tổ Như Lai của Chu Long Quảng trở thành hình mẫu trong lòng nhiều thế hệ.

Vai diễn Như Lai Phật Tổ trong Tây Du Ký do Chu Long Quảng đóng.
Được ví là “Như Lai Phật Tổ tái sinh”
Năm 1986, khi đạo diễn Dương Khiết chuẩn bị hoàn tất dàn diễn viên cho bộ phim kinh điển Tây Du Ký, một vai diễn quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ: Phật Tổ Như Lai. Vai diễn đòi hỏi khí chất uy nghiêm nhưng cũng phải toát lên sự hiền từ, bao dung – hình tượng tối cao trong thế giới Phật giáo. Lúc ấy, nghệ sĩ tạo hình Vương Hy Chung gợi ý một cái tên từng gây ấn tượng trong phim Địa đạo chiến : Chu Long Quảng.
Ban đầu, Chu Long Quảng e ngại lời mời của đạo diễn Dương Khiết. “Tôi đã quá quen với vai nông dân. Bây giờ lại nhận vai một bậc thánh thần, liệu có bị khập khiễng, khiến phim thất bại?” , ông từng băn khoăn. Thế nhưng, vì nỗi lo ấy, ông càng nghiêm túc đầu tư cho vai diễn: học thiền, tìm hiểu giáo lý nhà Phật, luyện tập từng cử chỉ, ánh mắt, lời thoại để thật tĩnh tại, từ bi.

Câu chuyện Chu Long Quảng được người dân bái lạy vẫn được truyền thông thường xuyên nhắc lại.
Đạo diễn tạo hình đã phải thốt lên: “Như Lai đã xuất hiện!” khi hóa trang cho Chu Long Quảng. Trong một lần, khi ông ngồi học kịch bản trong chùa, nhắm mắt nhập vai, mở mắt ra đã thấy hàng chục tín đồ đang niệm “Nam mô a di đà Phật” ngay dưới chân mình. Mặc cho những lời giải thích từ nhân viên đoàn phim, họ cứ thay nhau bái lạy, thậm chí mang thêm hoa quả để tỏ lòng thành kính. Ông bối rối từ chối, để lại lễ vật nơi cửa Phật vì “không dám mạo nhận”.
Từ vai diễn ấy, hình ảnh Chu Long Quảng gắn liền với Phật Tổ không chỉ trên phim ảnh mà cả sách vở hay các ấn phẩm Phật giáo. Theo Sina, một số công ty chuyên về điêu khắc tượng đã lấy hình mẫu vai diễn của nam diễn viên để tạc tượng Đức Phật thờ ở các Đền, Chùa. Truyền thông Trung Quốc gọi ông là “Như Lai Phật Tổ tái sinh”.
Khi hay tin, Chu Long Quảng vừa bất ngờ vừa lo việc này khiến mình tổn thọ: “Mọi người đừng tán dương tôi lên mây, tôi cũng không phải thần Phật gì đâu. Tôi chỉ là diễn viên làm tốt công việc của mình”.
Sau vai diễn để đời, ông vẫn tiếp tục xuất hiện trong một số tác phẩm như Tây An hổ gia, Võ lâm ngoại truyện, Ngô Thừa Ân và Tây Du Ký, Giáng long phục hổ… nhưng hầu hết chỉ đóng vai khách mời. Với ông, điện ảnh là đam mê nhưng giáo dục mới là sự nghiệp gắn bó lâu dài.

Chu Long Quảng (ở giữa) hội ngộ dàn diễn viên Tây Du Ký.
Ông từng là giảng viên, hiệu trưởng Học viện Điện ảnh Đông Phương, phó viện trưởng kiêm cố vấn cao cấp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Ông cũng tham gia đạo diễn và diễn xuất hơn 30 vở kịch, phim truyền hình trước khi nghỉ hưu ở tuổi 60.
Sống hạnh phúc bên vợ con tuổi xế chiều
Chu Long Quảng sống bình yên bên người vợ Ngô Huệ Phương – nhân viên văn phòng, người mà ông gặp và kết hôn khi bước sang tuổi 35. “Mọi người nói bà ấy may mắn lấy được tôi, nhưng tôi nghĩ ngược lại. Tôi mới là người có phúc”, ông từng chia sẻ.
Điều thú vị là bà không biết nấu ăn hay làm nội trợ, những việc ấy đều do ông đảm nhận. Nhưng vợ chồng chưa từng vì thế mà mâu thuẫn, trái lại ngày càng gắn bó. Họ có với nhau ba cô con gái – “ba nàng tiên” như cách ông đùa, và ông là “kẻ hầu” duy nhất trong nhà.

Ngoài đời, ông được nhận xét không chỉ có ngoại hình mà cả tấm lòng từ bi, bác ái, vị tha của ông cũng hệt như Đức Phật.
Chu Long Quảng chưa từng buồn phiền vì không có con trai nối dõi. “Con nào cũng là máu mủ. Tôi thương các con gái của mình không gì so sánh được”, ông nói. Hiện các con ông đều trưởng thành, có gia đình, công việc ổn định. Cuộc sống tuổi già của ông ngập tràn tiếng cười bên vợ và cháu nhỏ.
Mỗi ngày, ông cùng vợ dậy sớm đi tập thể dục, ngắm bình minh, thăm cây cảnh, làm việc thiện, giúp người nghèo. Những hành động giản dị ấy khiến người dân nơi ông sống vẫn gọi ông với cái tên kính trọng: “Phật Tổ giữa trần gian”.
Chu Long Quảng là một trong số ít những diễn viên mà nhân vật họ thủ vai không chỉ sống mãi trên màn ảnh mà còn hiện diện trong tâm tưởng người dân suốt nhiều thế hệ. Vai Như Lai Phật Tổ của ông không chỉ là biểu tượng nghệ thuật, mà còn là hiện thân của đức tin, lòng thiện lành và sự cảm hóa.
Ở tuổi 86, ông vẫn giữ tâm thế lạc quan, thanh thản: “Cuộc sống của một ông lão chỉ có thế thôi. Nhưng tôi thấy vui vì ít ra đến giờ mình vẫn là người có ích, giúp được một số người cần”.
Đọc bài gốc tại đây.