Trang chủ Giải tríÂm nhạc Album Vol.4 của Đông Nhi: Giấc mơ về thánh đường nghệ thuật hay sự “nghịch hành” đầy bản lĩnh

Album Vol.4 của Đông Nhi: Giấc mơ về thánh đường nghệ thuật hay sự “nghịch hành” đầy bản lĩnh

bởi Admin
0 Lượt xem

Sau 7 năm kể từ album phòng thu thứ 3 “Ten On Ten” và đêm liveshow hoành tráng kỉ niệm 10 năm ca hát, Đông Nhi dường như dành tâm sức của mình cho gia đình nhỏ, trở thành mẹ của hai đứa con, thiết lập một vị trí riêng biệt bên cuộc hôn nhân viên mãn cùng Ông Cao Thắng.

Tuy trong thời gian đó, cô cũng ra mắt một vài MV hoành tráng, đầu tư lớn như Đôi mi em đang u sầu nhưng cảm giác Đông Nhi vẫn chọn “đứng ngoài cuộc chơi” sôi động và cấp tiến của Vbiz, kể cả là so với các nghệ sĩ cùng lứa hay những nhân tố mới.

Và rồi bất ngờ, Đông Nhi tuyên bố phát hành album phòng thu thứ 4 với cái tên “Theater of Dreams”, hành trình hoài niệm của một giấc mơ về thánh đường nghệ thuật đã vỏn vẹn 17 năm. Nhưng, album này chỉ đơn giản là một dấu son mang tính kỉ niệm của riêng Đông Nhi với khán giả, hay đó là một lời hồi đáp của cô với âm nhạc của chính mình, điều đã tạo nên một ngôi sao độc bản.

Theo kiến giải của Đông Nhi và DTAP, giám đốc âm nhạc của album, “Theater of Dreams” được chia thành 3 chương với tổng cộng 13 bản nhạc (tính luôn cả 2 đoạn interlude) được xây dựng trên cảm hứng từ bộ bài Tarot. Nhưng thay vì thể hiện trọn vẹn 78 lá, album chỉ sử dụng 13 lá, cũng là ngày sinh nhật của Đông Nhi để mô phỏng hành trình âm nhạc lẫn tâm hồn của cô gái đặc biệt này.

Không chỉ để thưởng thức, âm nhạc của Đông Nhi còn là một chủ đề thú vị. Vào những năm 2010, giai đoạn chuyển đổi rõ nét về cả âm nhạc các khu vực trên thế giới lẫn thói quen và nền tảng nghe nhìn, Đông Nhi như một hiện-tượng-thực-lực hiếm có không chỉ bởi sự “chinh phạt” của cô nàng ở nhiều ngóc ngách, các giải thưởng, các sân khấu lớn mà còn bởi thứ âm nhạc khó lẫn được sáng tạo bởi chính mình.

Cho đến tận bây giờ, Đông Nhi vẫn là một nữ nghệ sĩ hiếm hoi của Vbiz sở hữu hàng loạt bài hit cho chính cô sáng tác và khắc hoạ được màu sắc riêng biệt.

Đó là những ‘nguyên liệu vĩnh cửu’ đã nuôi sống tình yêu thương mà khán giả của Đông Nhi dành cho cô suốt 17 năm qua. Ở thời điểm mà nhạc USUK, hay K-pop xâm thực các diễn đàn âm nhạc ở Việt Nam khi ấy, việc tự sáng tác các ca khúc cho mình không được coi trọng và cần thiết như bây giờ. Nhưng Đông Nhi vẫn sắc bén trong vai trò đó và thành công không thể chối cãi ở ngoài tầm ca sĩ của Đông Nhi chính là bản hit “Cho nhau lối đi riêng” mà cô nàng dành tặng cho Hoàng Thuỳ Linh. Đông Nhi chắc chắn là một đại diện cho hình tượng singer-songwriter trong thế hệ của mình.

Và, có lẽ chính vì lý do đó mà ở album vol.4 này, tuy toàn bộ các ca khúc được sáng tác bởi DTAP nhưng dễ dàng nhận thấy việc sắp đặt ý tưởng, đường dây lẫn tuyên ngôn xuyên suốt album là một lối đi ngược, một sự “nghịch hành” có chủ ý để khái quát hoá gần như toàn bộ DNA âm nhạc của Đông Nhi.

Những ca khúc ở chương Một: Tinh cầu bốc cháy (The World), Mặt trời cô độc (The Sun), Người ôm pháo hoa (The Moon), Kỵ sĩ & Ánh sao (The Star) và 1-0 (The Devil) thiết lập nên trạng thái một không gian vĩ mô. Ở đó hội tụ những tinh hoa của đất trời, vũ trụ, ánh sáng, bóng tối, những thứ tạo nên thế giới này nhưng lại quá khổ với một con người. Đây cũng là chương cuốn hút nhất trong album này của Đông Nhi, khi nó không khác nào một lời tự thuật đòi hỏi sự đối diện dũng cảm của chính Đông Nhi với thứ đã tạo nên cô ấy: âm nhạc.

Khi Đông Nhi đã không còn là một ca sĩ hay một nhạc sĩ đơn thuần mà phải là một nghệ sĩ với nhiều trách nhiệm thì hiển nhiên, thứ cô buộc lòng phải đặt xuống suốt 7 năm qua chính là âm nhạc. Và thông qua 5 ca khúc được DTAP kì công nhào nặn từ chính những giai điệu mang đậm dấu ấn âm nhạc của Đông Nhi, chính là cái phản kháng với sự viên mãn trong tư cách của một người ca sĩ: Tôi muốn âm nhạc.

Chương Hai mở đầu với NZ, đoạn interlude nghe như thể một tràng kinh cầu tượng trưng cho lá bài The Hanged Woman, thực chất là lời hiệu triệu để cô gái Đông Nhi quay lại với bản nguyên của mình nhưng trong tâm thế một kẻ đủ đầy. Cái khao khát được bộc tỏ chính mình thông qua Ý trời (Wheel of Fortune), Người đẹp & Quái vật (Strength) hay Khó chiều (The Chariot) là một cú bật nảy để giành lại sự cân bằng trong tâm hồn của một người phụ nữ. Nhất là khi cô ấy đã có tất cả, không có nghĩa bản chất của cô ấy sẽ không còn. Sự bướng bỉnh, cao ngạo hay khao khát được yêu như lời đáp trả cho cái mong manh của chương Một, như tính đối xứng hằng hữu trong cung hoàng đạo của Đông Nhi – cung Thiên Bình.

Những ca khúc ở chương Hai mang màu sắc Rap, EDM, Hip-hop đại diện cho giai đoạn Đông Nhi bùng nổ ở mọi mặt trận âm nhạc và giải thưởng. Và nó cũng là một đường dẫn hoàn hảo để album kết lại ở chương Ba, với những giai điệu đơn giản hơn, Pop hơn, phụ nữ hơn. Sự “nghịch hành” khi đi từ lá The World đến The Fool trong album này thực chất là sự phản chiếu của vũ trụ, của mọi sự vận hành trên thế giới này: bùng nổ và tái tạo.

Cô gái tên Đông Nhi đã đi rất xa khỏi hành trình xuất phát là một ca sĩ mạng, để rồi 17 năm sau khi đứng ở đỉnh cao của danh vọng, cô ấy vẫn tôn thờ thánh đường nghệ thuật như thuở ban đầu. Cô gái mà bây giờ đã làm vợ, làm mẹ, làm người đứng đầu cho nhiều dự án nâng đỡ tài năng trẻ, thực chất vẫn là một người phụ nữ biết yêu thương và mơ mộng như mọi cô gái khác.

Đó là em (The Empress), Tự nhiên (The Magician) và Những tháng năm tươi đẹp (The Fool), như một câu trả lời nhẹ nhàng cho bản lĩnh của một người phụ nữ “khuôn mẫu” trong mắt người khác. Khi cô ấy vẫn có chồng, sinh con, phải dành thời gian cho gia đình nhưng chưa bao giờ vứt bỏ con người nguyên thuỷ của mình.

Sự cân đo khéo léo trong thời lượng và cảm xúc mà album mang lại, bên cạnh những tính toán hấp dẫn về việc “nhìn lại” và “nâng cấp” âm nhạc gốc của Đông Nhi thông qua những người sáng tác mới là DTAP, khiến cho Theater of Dreams thoả mãn được cả yêu cầu về tính cá nhân lẫn tính trách nhiệm.

Sự tôi luyện của một con người qua nhiều hành trình trong cuộc sống lẫn sự nghiệp, sự lão luyện của một nghệ sĩ đi qua nhiều giai đoạn quan trọng của nền âm nhạc, những điều đó chính là kĩ năng của Đông Nhi ngày hôm nay. Và với album “nghịch hành” này, Đông Nhi thừa sức để hiểu ra rằng mình là ai trên bản đồ nhạc Việt, đã sống trọn giấc mơ về thánh đường nghệ thuật hay chưa. Còn với đại chúng, đó đã không phải là điều để tranh cãi từ rất lâu.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan