Trang chủ Đời sống Xem phim Sex Education, tôi thực sự “tỉnh ngộ”: Nhờ có câu này mà tôi thay đổi tư duy dạy con, gia đình vì vậy êm ấm, yên bình!

Xem phim Sex Education, tôi thực sự “tỉnh ngộ”: Nhờ có câu này mà tôi thay đổi tư duy dạy con, gia đình vì vậy êm ấm, yên bình!

bởi Admin
0 Lượt xem

Không biết có bà mẹ nào từng như tôi không, lúc nào cũng thấy mình sao mà khổ sở, mệt mỏi thế, không khác gì osin trong gia đình. Việc gì cũng phải lo, việc gì cũng đến tay, từ chuyện bát đũa, cơm nước đến chuyện học hành của con cái.

Có một thời gian, tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, chỉ cần con làm gì sai là tôi có thể bùng nổ ngay lập tức. Cho đến một ngày, khi có thời gian rảnh rỗi, tôi lướt mạng xem phim xả stress và chọn xem bộ phim Sex Education.

Tôi đã từng xem nhiều bộ phim về chủ đề giáo dục giới tính, xã hội và đánh giá nội dung bộ phim Sex Education ở mức ổn, không quá xuất sắc. Tuy nhiên, có một câu nói trong phim lại như một “cú đánh chí mạng” vào nhận thức, suy nghĩ của tôi. Câu nói này thực sự khiến tôi phải ngẫm nghĩ lại cách sống của mình.

Bao lâu này, là tôi thực sự khổ, hay chính tôi “overthinking”, tự chuốc khổ vào người?

Đó là khi một nhân vật tên Abby nói rằng: “It takes so much more energy to be negative than positive” – Tạm dịch: “Tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để tiêu cực so với tích cực”.

Xem phim Sex Education và bài học nuôi dạy con tích cực - Ảnh 1.

Nhân vật Abby

Hiểu một cách đơn giản: Nếu ta dành quá nhiều thời gian để tiêu cực, ta sẽ mệt mỏi hơn rất nhiều. Thay vào đó, nếu chọn cách suy nghĩ tích cực, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và tràn đầy năng lượng hơn!

Tôi chợt nhớ lại, quả thực bao lâu nay, tôi luôn chọn cách phản ứng, suy nghĩ tiêu cực trước mọi việc. Chẳng hạn khi con không may làm vỡ đĩa thức ăn, làm rơi thức ăn ra nhà, tôi cũng phản ứng như sắp chết đến nơi. Trong khi chồng tôi thì ngược lại, anh vui vẻ bảo con: “Nhìn gì, thực hành ngay tuyệt chiêu “lau dọn thần chưởng” đi!”.

Hay khi tôi cứ kêu ca mình phải tất bật dọn dẹp, cơm nước, giặt giũ. Thực ra, con gái tôi hoàn toàn có thể phụ mẹ nhưng lúc nào tôi cũng sợ con làm ẩu, “rồi mình phải làm lại”. Thế là tôi ôm hết việc vào người rồi lu loa kêu không ai giúp, không ai phụ mình, “cái nhà này thiếu tay tôi là không xong”.

Chính thái độ sống tiêu cực của tôi đã khiến gia đình lúc nào cũng căng thẳng, chồng con mệt mỏi. Đặc biệt là với con gái tôi, trong nhiều trường hợp, cháu bị mệt mỏi, bị mẹ truyền cho năng lượng xấu. Có lẽ vì vậy mà có một thời gian, thành tích học tập của cháu bị ảnh hưởng. Mối quan hệ với mẹ cũng không được tốt như với bố.

Vì tôi hay “overthinking” nên con gái cũng ít nói chuyện với tôi mà thường hay tìm bố để tâm sự, chia sẻ nhiều hơn. 

Sau khi nhìn nhận được cái sai của bản thân, tôi đã dần dần thay đổi. Chẳng hạn như việc gia đình, tôi chủ động hướng dẫn và ngợi khen khi con giúp đỡ mẹ. Khi con làm sai, thay vì “lu loa” lên như trước, tôi hít thở sâu, bình tĩnh suy nghĩ cách xử lý.

Như lần con không may làm toạc chỉ cái quần dài, nếu như trước, kiểu gì tôi cũng gào lên “Con gái, con lứa mà vụng về, cái quần mới mua mặc chưa được mấy bữa mà đi đứng cứ tớn mắt lên rồi rách cả ra”. Nhưng lần đó, tôi bình tĩnh, nhìn vết rách, thấy vẫn sửa được và bảo con: “Mang kim chỉ ra đây mẹ khâu lại cho 2 phút là xong, rồi nhìn cách mẹ khâu mà học”.  

Khi đó, chính con tôi cũng bất ngờ vì những thay đổi của mẹ. Chồng tôi ngồi bên cạnh cũng ngỡ ngàng.

Sau 3 tháng thay đổi, tôi nhìn rõ được lợi ích của việc sống và nuôi dạy con với suy nghĩ, tâm trí tích cực. Nếu trước đây, gia đình lúc nào cũng u ám, thì giờ tiếng cười nhiều hơn, vui vẻ hơn. Khi tôi vui vẻ, chồng con cũng vui vẻ.

Tôi nhận ra rằng: Chọn thái độ tích cực không chỉ giúp con phát triển tốt hơn mà còn giúp chính cha mẹ có cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Tôi cũng hiểu hơn thế nào gọi là “nuôi dạy con tích cực”. 

Cha mẹ nuôi dạy con tích cực không có nghĩa là bỏ qua sai lầm, mà là đối mặt với chúng một cách nhẹ nhàng hơn. Khi giữ một tâm trí tích cực, chúng ta không chỉ hạnh phúc hơn mà còn dễ dàng vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Đó cũng chính là một điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần truyền lại cho con.

Thật may là cuối cùng tôi cũng đã nhận ra và thay đổi!

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan