Trang chủ Đời sống Xem phim Sex Education, tôi nhận ra có 1 điều quan trọng hơn phải dạy con: Nếu cha mẹ nào cũng biết thì xã hội sẽ tử tế hơn rất nhiều!

Xem phim Sex Education, tôi nhận ra có 1 điều quan trọng hơn phải dạy con: Nếu cha mẹ nào cũng biết thì xã hội sẽ tử tế hơn rất nhiều!

bởi Admin
0 Lượt xem

Tôi nhớ hôm đó là thứ Sáu, cuối tuần. Vừa tan làm, tôi đang đứng nấu cơm thì con gái tôi – năm nay học lớp 6 – bước vào bếp, mặt không vui vẻ gì. Con kể: 

– “Mẹ ơi, con thấy bạn My… kỳ lắm, kiểu kẹt xỉ ấy. Lúc nào cũng tiếc tiền. Nay lớp con đi tham quan bảo tàng, cả nhóm rủ nhau mua móc khóa làm kỷ niệm, có 20.000 đồng thôi mà bạn ấy không chịu mua. Còn nói: “Tớ không cần, tớ thấy tốn tiền”. Mọi người rủ đi ăn trưa chung, bạn ấy cũng đem theo cơm hộp riêng. Con không hiểu sao bạn ấy cứ phải… tiết kiệm quá mức như vậy”.

Con bé nói mà giọng có chút khó chịu, hơi buồn vì cảm thấy bị bạn “khác biệt”.

Tôi quay sang nhìn con, không trách, chỉ hỏi nhẹ:

– “Con có biết ba mẹ bạn My làm nghề gì không?”.

– “Dạ… không. Chắc cũng bình thường thôi mà mẹ. Lớp con ai cũng đi học như nhau mà”.

- Ảnh 1.

Maeve và Aimee

 Tôi lau tay, kéo ghế ngồi xuống cạnh con.

– “Mẹ kể con nghe chuyện này. Hồi năm ngoái, mẹ làm trưởng ban phụ huynh nên có lần ghé qua nhà My để nhờ mẹ bạn ấy phụ giúp một hoạt động cho lớp. Lúc đó mẹ mới biết nhà bạn ấy rất khó khăn. Bố bạn My trước bị tai nạn lao động nên giờ chỉ làm được công việc nhẹ, áp lực tài chính dồn lên mẹ bạn. 

Nhà My không có điều hòa, cũng chẳng có smart TV,… Mọi vật dùng trong nhà đều cũ kỹ. Mẹ My nhận may đồ tại nhà, My đi học về cũng phụ giúp mẹ. Dù vất vả nhưng My rất ngoan và hiểu chuyện, không ca thán, kêu ca gì. Nhìn hoàn cảnh của My, mẹ cứ suy nghĩ mãi”. 

Con bé im lặng, không nói gì. Tôi nói tiếp:

– “Có thể với con, 20.000 đồng là bình thường. Nhưng với bạn ấy, đó là cả buổi ăn sáng. Và mang cơm từ nhà không phải vì bạn ấy kỳ lạ, mà vì đó là cách duy nhất để không làm gánh nặng, để tiết kiệm tiền cho bố mẹ”. 

Tôi lại tiếp tục kể cho con nghe thêm một câu chuyện khác, lần này là về một bộ phim mà tôi từng xem trên Netflix, đó là bộ phim Sex Education. Trong phim, cô bé tên Maeve có hoàn cảnh khó khăn, mẹ nghiện, không có tiền, phải tự lo toan mọi thứ từ nhỏ.

Maeve lại chơi thân với một cô bạn tên Aimee. Aimee thì giàu có và vô tư, dẫn đến nhiều khi làm tổn thương bạn. Và trong một lần nọ, Maeve đã phải nói với bạn: “We live in completely different worlds. I’m not rich like you”.– “Tụi mình sống ở hai thế giới khác nhau. Tớ không giàu như cậu”. 

Tôi nhìn con bé. Lần này, nó không phản bác gì cả. Chỉ cúi đầu, rồi nói nhỏ:

– “Con không biết. Con tưởng bạn ấy… không muốn chơi với tụi con”.

Tôi mỉm cười, xoa lưng con:

– “Không sao. Giờ con hiểu rồi là được”.

Bài học tôi rút ra – dành cho con, và cho cả chính tôi

Tôi từng nghĩ dạy con là dạy cách cư xử, lễ phép, học giỏi, chăm ngoan. Nhưng càng làm cha mẹ lâu, tôi càng nhận ra: Có một bài học còn quan trọng hơn, đó là hiểu người khác sống không giống mình.

Chúng ta thường dạy con biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, nhưng lại ít khi dạy con biết đặt mình vào vị trí người khác.

Chúng ta bảo con hãy “cố gắng học để sau này không thua bạn bè”, nhưng không nói với con rằng có những bạn bè đang cố gắng từng ngày chỉ để được đi học đủ buổi, có cơm ăn mỗi trưa, có áo đồng phục lành lặn để đến lớp.

Tôi không cần con mình trở thành đứa trẻ “biết hết” hay “giỏi giang vượt trội”. Tôi chỉ mong nó luôn đủ nhạy cảm để không cười vào sự thiếu thốn của ai đó, và đủ tử tế để không xem hoàn cảnh của người khác là “kỳ quặc”.

Vì thế giới này vốn dĩ không công bằng từ vạch xuất phát. Và chỉ khi ta nhìn thấy điều đó, ta mới bắt đầu học cách sống tử tế hơn một chút, mỗi ngày.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan