Tôi là một người mẹ, có một đứa con trai đang học lớp 9. Con trai tôi thông minh, hiền lành và sống khá khép kín. Tôi từng nghĩ rằng con cần phải học thật giỏi để có tương lai.
Do đó, tôi từng ép con phải vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Tôi lên thời gian biểu, không cho con chơi điện thoại quá 30 phút. Thậm chí, việc con sử dụng các thiết bị điện tử để tra cứu tài liệu cũng phải chịu sự giám sát của tôi.
Bên cạnh đó, tôi cắt luôn lớp học đàn piano mà con thích vì tôi thấy đây là việc vô bổ. Tôi từng tự hào khi bạn bè khen con học giỏi, cảm thấy mình là người mẹ thành công. Tôi nghĩ con phải biết ơn vì nhận được sự định hướng tốt từ tôi.
Tuy nhiên, con dần thay đổi tính cách, trở nên ít nói, có xu hướng bạo lực, chống đối. Tôi bắt đầu thấy lo, nhưng lại nghĩ rằng con chỉ đang ở độ tuổi nổi loạn.
Trong lúc rảnh rỗi, tôi tìm được bộ phim “Sex Education”. Vì tò mò, tôi đã lựa chọn xem thử bộ phim này. Vừa theo dõi từng phân cảnh, tôi càng cảm thấy bộ phim này chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về cách nuôi dạy con cái mà cha mẹ nào cũng nên xem thử một lần.
Trong đó, thông qua bộ phim này, tôi nhận ra có 2 sai lầm điển hình trong cách nuôi dạy con cái mà nhiều cha mẹ mắc phải.
Ép con phải giỏi mọi thứ
Vivienne phản ánh thực tế nhiều học sinh hiện nay. Cô là học sinh giỏi, chăm chỉ, luôn đạt kết quả cao trong học tập. Nhưng đằng sau sự hoàn hảo đó là một cuộc sống đầy áp lực. Mẹ của Vivienne là người nghiêm khắc. Bà luôn bắt cô tuân theo một thời gian biểu cứng nhắc.
Từ lúc thức dậy cho đến giờ đi ngủ, mọi hoạt động của Vivienne đều phải nằm trong kế hoạch, không có chỗ cho sự tự do, sáng tạo hay nghỉ ngơi. Cô bé không được phép chậm lại hay sai sót bất cứ chuyện gì.

Việc mẹ quá kỳ vọng khiến Vivienne không có thời gian cho các hoạt động ngoài học tập. Cô không thể tham gia các buổi tiệc với bạn bè, yêu đương hay trải nghiệm những điều mới mẻ.
Lâu dần, Vivienne dần trở nên khép kín, căng thẳng và mệt mỏi. Dù đạt thành tích cao, cô vẫn luôn cảm thấy mình chưa đủ tốt. Khi không đạt được kết quả như mong đợi, Vivienne rơi vào trạng thái hoảng loạn, mất niềm tin vào bản thân.
Tôi nhận thấy rằng việc ép con trở thành phiên bản hoàn hảo không làm con trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này khiến con mất đi tuổi thơ và những kỹ năng quan trọng để sống hạnh phúc và tự lập. Khi bước vào đời thật, những đứa trẻ như Vivienne sẽ dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm và mất phương hướng.
So sánh và phủ nhận con người thật của con
Hiệu trưởng Michael Groff là ví dụ rõ ràng về một người cha không hiểu con. Ông luôn áp đặt con trai mình – Adam Groff theo những tiêu chuẩn cứng nhắc.
Bên cạnh đó, ông thường xuyên so sánh Adam với anh trai và chê bai thành tích học tập của con trai út. Ông Michael không lắng nghe hay dành thời gian để trò chuyện, thấu hiểu cảm xúc thật của con. Thay vào đó, ông dùng sự nghiêm khắc và kỷ luật để ép con thay đổi.
Thái độ lạnh lùng, hà khắc của ông khiến cậu bé Adam ngày càng thu mình. Cậu cảm thấy mình không đủ tốt và xấu hổ về chính bản thân. Do đó, cậu dần cô lập, lạc lõng giữa những người xung quanh.
Tôi nghĩ rằng không ai muốn bị xem thường hay phải thay đổi chỉ để làm hài lòng người khác. Một đứa trẻ nếu không được cha mẹ chấp nhận con người thật sẽ dễ trở nên mặc cảm. Khi con không còn tin vào giá trị bản thân, con sẽ rất khó thành công trong cuộc sống.
Tôi cũng từng nói với con những lời giống ông Groff. Bên cạnh đó, tôi cũng từng ép buộc con như mẹ của Vivienne. Tôi nghĩ mình thương con, nhưng điều này khiến con ngày càng thu mình lại, mệt mỏi hơn.
Giờ tôi không hỏi về điểm số hay la mắng, trách móc con như trước đây. Sau hôm đó, tôi bắt đầu thay đổi. Tôi không ép con học như trước và cho con chọn môn học thêm theo ý thích. Tôi không còn so sánh con với bất cứ ai.
Bên cạnh đó, tôi cũng đọc thêm sách về tâm lý tuổi teen để thêm hiểu con hơn. Mỗi ngày, tôi đều hỏi: ” Hôm nay con ổn không? “. Tôi không dám nói mình là người mẹ hoàn hảo nhưng tôi đang cố gắng mỗi ngày. Tôi học lại cách làm mẹ và dũng cảm nhận sai.
Đọc bài gốc tại đây.