Trang chủ Đời sống Xem phim Sex Education, chợt đến cậu con trai thích khoe mẽ trên MXH, cuối cùng tôi cũng nhận ra bài học đắt giá dạy con

Xem phim Sex Education, chợt đến cậu con trai thích khoe mẽ trên MXH, cuối cùng tôi cũng nhận ra bài học đắt giá dạy con

bởi Admin
0 Lượt xem

Với tôi, nhân vật Redmi Milburn trong phim Sex Education không quá nổi bật về mặt cảm xúc như Maeve hay Otis, nhưng ông ấy khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều – không chỉ với tư cách là một người bố trong phim, mà còn vì một câu nói đơn giản nhưng thấm thía:

“Overcompensation merely masks an unconscious weakness”. (Tạm dịch: “Việc bù đắp quá mức chỉ đơn giản là che giấu một điểm yếu trong vô thức”).

Câu này vang lên trong đầu tôi không biết bao lần, nhất là sau một cuộc trò chuyện với cậu con trai 14 tuổi của mình – đứa trẻ luôn “làm quá mọi thứ” để khẳng định bản thân.

Câu nói của Redmi trong phim

Con trai tôi không phải đứa yếu kém, nhưng luôn phải là người giỏi nhất lớp. Mỗi lần không được điểm cao hay không được cô giáo khen, con sẽ nổi giận, tìm cách chứng minh mình vẫn “xứng đáng”. Có lần con chụp cả bảng điểm rồi khoe lên mạng xã hội, kèm caption kiểu “Cố gắng chút thôi cũng thấy người ta bỏ xa dần rồi ha”.

Lúc đó, tôi chỉ im lặng. Nhưng trong lòng, tôi buồn hơn là giận. Tôi biết, sâu trong con là một nỗi bất an. Có thể con thấy mình không đủ giỏi, không đủ đặc biệt – nên phải “phô” thật nhiều để được thừa nhận.

Tôi nhớ lại câu nói của Redmi và hiểu rằng, con mình đang “overcompensating” – cố gắng làm quá lên để che đi một nỗi sợ nào đó. Có thể là sợ bị lãng quên, sợ không nổi bật, sợ không được yêu thương nếu không “xuất sắc”.

Hôm đó, sau khi xem lại đoạn phim Redmi nói câu ấy, tôi hỏi con một câu: “Nếu một ngày con không đứng nhất lớp nữa, con có nghĩ mình còn được mọi người quý mến như giờ không?”

Con im lặng một lúc rất lâu rồi gật đầu nhẹ. Và nói: “Chắc là… không chắc nữa”.

Tôi nắm tay con, lần đầu tiên sau nhiều tháng: “Với bố mẹ, con xứng đáng – không phải vì con giỏi nhất, mà vì con là chính con. Con không cần gồng mình để trở nên ai khác”.

Phim Sex Education khiến tôi rút ra bài học để dạy con

Câu nói của Redmi khiến tôi nhận ra một điều quan trọng: Khi con trẻ hành xử “thái quá”, không phải lúc nào cũng vì sự ngông nghênh hay hiếu thắng, mà đôi khi là một cách con phản ứng với nỗi bất an sâu bên trong mình. Một đứa trẻ tự tin thực sự sẽ không cần khoe khoang, không cần khẳng định bản thân bằng cách vượt mặt người khác. Ngược lại, chính những biểu hiện của việc luôn phải đứng đầu, luôn phải “hơn người khác” lại là dấu hiệu cho thấy con đang sợ – sợ bị bỏ lại, sợ không đủ tốt, sợ mất đi tình yêu thương nếu không còn nổi bật.

Tôi từng nghĩ rằng động viên con thi đua, cổ vũ con chiến thắng là cách nuôi con mạnh mẽ. Nhưng tôi quên mất rằng sự mạnh mẽ thật sự không đến từ việc chiến thắng ai đó, mà từ việc con không bị cuốn vào nỗi sợ thua kém. Khi con hiểu rằng giá trị của mình không phụ thuộc vào lời khen, điểm số hay ánh mắt người khác, con sẽ tự tin theo cách bền vững hơn – không cần che đậy hay “bù đắp”.

Vậy nên, thay vì hỏi con “Hôm nay con được mấy điểm?”, tôi bắt đầu hỏi “Hôm nay con thấy điều gì khiến con vui nhất?”, hoặc “Con có làm điều gì khiến con tự hào về bản thân không?” Tôi không còn chỉ khen con vì đạt điểm cao, mà khen con khi thấy con biết cư xử tử tế, biết nói lời cảm ơn, hay khi con tự nhận lỗi. Tôi muốn con hiểu rằng sự tử tế, khiêm nhường, và lòng biết ơn đáng giá không kém – thậm chí còn hơn – những thành tích bên ngoài.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình nổi bật, thành công, được người khác công nhận. Nhưng tôi tin rằng, thứ con cần nhất không phải là sự ngưỡng mộ từ người ngoài, mà là cảm giác an toàn và được yêu thương từ chính trong gia đình.

Và yêu thương, không phải là chiều chuộng hay tung hô, mà là giúp con nhìn thẳng vào chính mình – cả điểm mạnh lẫn điểm yếu – mà vẫn cảm thấy xứng đáng. Dạy con biết rằng không cần “gồng lên” để được yêu, không cần trở nên “phiên bản hoàn hảo” để được chấp nhận.

Câu nói của Redmi Milburn không chỉ khiến tôi hiểu con hơn, mà còn giúp tôi nhìn lại cách mình từng lớn lên – cũng với nỗi sợ không được công nhận, không được “tốt như người ta”. Giờ đây, tôi không muốn lặp lại vòng luẩn quẩn đó với con mình.

Tôi không mong con trở thành người giỏi nhất, mà mong con trở thành người hiểu rõ và chấp nhận chính mình.

Đọc bài gốc tại đây.

Bài viết liên quan