Một người đàn ông họ Trần tại Đài Loan, Trung Quốc, đã trở thành nạn nhân trong một vụ lừa đảo đầu tư tinh vi, mất tổng cộng hơn 10,62 triệu Đài tệ ( hơn 9,4 tỷ đồng) tiền mặt chỉ trong hai tháng. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận khi nạn nhân sau đó kiện đòi bồi thường nhưng bị tòa bác đơn, dẫn đến nhiều tranh cãi.
Theo hồ sơ vụ án, vụ lừa đảo bắt đầu từ tháng 8/2024, khi anh Trần kết bạn với một tài khoản tự xưng là “blogger đầu tư” qua ứng dụng LINE. Sau đó, người đàn ông này được mời vào một nhóm đầu tư ảo, nơi một số thành viên liên tục dụ dỗ anh đầu tư vào một ứng dụng do nhóm này cung cấp.
Trong vòng hai tháng (từ tháng 8 đến tháng 10/2024), dưới sức ép liên tục của các đối tượng trên, anh Trần đã 6 lần rút tiền tiết kiệm rồi giao cho nhóm lừa đảo này. Tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới 10.622.558 Đài tệ.
Đến cuối tháng 10/2024, nhóm lừa đảo bất ngờ thông báo rằng tài khoản đầu tư của anh Trần đã bị đóng băng và yêu cầu anh nộp thêm 8 triệu Đài tệ (hơn 7 tỷ đồng) để mở khóa. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, anh Trần nhanh chóng trình báo vụ việc với cảnh sát để được hỗ trợ.

Ảnh minh hoạ: Internet
Sau khi tiếp nhận vụ việc, cảnh sát địa phương đã phối hợp với anh Trần để lên kế hoạch giăng bẫy nhóm lừa đảo trên. Ngày 7/11/2024, khi tài xế họ Tạ đến nhận 3 triệu Đài tệ (hơn 2,6 tỷ đồng) tiền “mồi nhử” do cảnh sát chuẩn bị sẵn theo kế hoạch, anh ta đã bị lực lượng chức năng phục kích và bắt giữ tại chỗ. Ngay sau đó, đối tượng họ Vưu – đồng bọn của tài xế họ Tạ – cũng bị bắt giữ. Cả hai bị khởi tố về hành vi lừa đảo.
Tin rằng 2 đối tượng họ Tạ và Vưu là thành viên trong đường dây lừa đảo đã lừa tiền mình, anh Trần đã nộp đơn kiện dân sự, yêu cầu 2 người này bồi thường số tiền 10,6 triệu Đài tệ cùng lãi suất. Tuy nhiên, tòa án địa phương đã bác đơn với hai lý do chính:
Thứ nhất, khoản tiền 3 triệu Đài tệ cuối cùng mà anh Trần giao cho họ chỉ là công cụ điều tra của cảnh sát, không thực sự bị nhóm lừa đảo chiếm đoạt nên không cấu thành thiệt hại tài sản.
Thứ hai, về yếu tố thời gian, đối tượng họ Tạ chứng minh đã nhập cảnh vào Đài Loan, Trung Quốc, vào ngày 2/11/2024, còn đối tượng họ Vưu chỉ thực hiện việc giám sát rút tiền sau thời điểm anh Trần bị lừa. Do đó, tòa án cho rằng không đủ bằng chứng cho thấy 2 người này liên quan trực tiếp đến 6 lần lừa đảo trước đó.
Qua vụ việc trên, toà án Trung Quốc khuyên mọi người cần hết sức thận trọng khi tham gia các hình thức đầu tư trực tuyến, đặc biệt qua các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc những nhóm tự xưng có khả năng sinh lời cao.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường như yêu cầu nộp thêm tiền để “mở khóa tài khoản”, “giải ngân lợi nhuận” hay các lý do không minh bạch, cần lập tức dừng giao dịch và trình báo cơ quan chức năng Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Ánh Lê (Theo The Storm Media)
Đọc bài gốc tại đây.