Nội dung chính
Nội dung chính
- Tiêu Phong chọn truyền võ công cho kẻ thù của mình là Hư Trúc
- Sự thay đổi trong tình tiết và dụng ý của tác giả Kim Dung
Theo đánh giá của nhiều người đọc, Thiên Long Bát Bộ phiên bản sau khi Kim Dung sửa lại đã kết thúc trong bi kịch, mỗi nhân vật đều không đạt được thứ mình mong muốn. Đoàn Dự không thể đến được với Vương Ngữ Yên, Hư Trúc vì phạm giới mà không thể làm hòa thượng, còn Tiêu Phong thì càng bi thảm hơn. Chàng không chỉ tự tay giết chết người mình yêu thương nhất là A Châu, mà cuối cùng còn vì hòa bình giữa nhà Tống và nước Liêu mà tự vẫn. Câu chuyện của ba huynh đệ nhân vật chính kết thúc tại đây.

Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung kết thúc trong bi kịch, mỗi nhân vật đều không đạt được thứ mình mong muốn. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong bản sửa đổi, câu chuyện của các nhân vật trong tác phẩm này đã được nhà văn Kim Dung liên kết với nhau. Thậm chí, mối quan hệ kế thừa giữa các tác phẩm võ hiệp khác của ông cũng được làm rõ. Vì vậy mới có chi tiết, trước khi chết, Tiêu Phong phải hoàn thành một việc quan trọng, đó là truyền lại võ công của Cái Bang.
Nhưng theo trang tin Sohu, vì sao Tiêu Phong lại truyền công cho Hư Trúc mà không phải Đoàn Dự? Ý đồ của Kim Dung là gì?
Sự thay đổi trong bản sửa đổi của Thiên Long Bát Bộ
Trong phiên bản cũ, Tiêu Phong đến khi chết cũng không truyền lại Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp cho bất kỳ ai. Nếu Thiên Long Bát Bộ chỉ là một tác phẩm độc lập thì điều này cũng không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nó lại có liên quan đến Anh Hùng Xạ Điêu, nhân vật Đoàn Trí Hưng trong tác phẩm này là cháu nội của Đoàn Dự, và Cái Bang cũng xuất hiện trong thời đại này. Vậy làm sao Hồng Thất Công có thể sử dụng được một môn võ công đã thất truyền?
Rõ ràng, để đáp ứng cho sự liên kết giữa các phẩm, Kim Dung cần phải thêm một đoạn tình tiết để Tiêu Phong truyền lại Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp. Nhưng theo tình tiết cuối truyện Thiên Long Bát Bộ không cho phép chàng quay lại Cái Bang để hoàn thành việc truyền thừa, nên phải có người khác làm thay.

Kim Dung đã thêm một đoạn tình tiết để Tiêu Phong truyền lại Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp cho Hư Trúc. (Ảnh: Sohu)
Do đó, hồi thứ 50 của nguyên tác đã được thêm vào một đoạn: “Nhiều năm sau, trong Cái Bang xuất hiện một thiếu niên anh hùng, người này trầm ổn, có năng lực, được mọi người yêu mến. Các thành viên bàn bạc, quyết định đưa người này đến Linh Thứu cung, trước tiên để Hư Trúc khảo nghiệm, sau đó mới truyền thụ Đả Cẩu Bổng Pháp và Hàng Long Thập Bát Chưởng. Thiếu niên này không phụ lòng mong đợi, đã học được thần công, lại chỉnh đốn Cái Bang ngày càng hưng thịnh, trung hưng trở lại. Từ đó về sau, Cái Bang coi Linh Thứu cung là ân nhân.”
Cùng là huynh đệ kết nghĩa của Tiêu Phong, tại sao lúc đó Tiêu Phong không truyền hai môn thần công này cho Đoàn Dự? Theo Sohu, lý do đã được Kim Dung đưa ra trong truyện là “Tam đệ không thích học võ, nhìn quanh đây nhiều bằng hữu, chỉ có đệ là thích hợp nhất”. Thực ra, Hư Trúc cũng không mấy hứng thú với việc học võ. Hắn tiếp xúc với các môn võ công của Tiêu Dao phái phần lớn là do bị ép buộc. Vì vậy, xét về phương diện này, Tiêu Phong nên hỏi ý kiến của Đoàn Dự mới công bằng. Chẳng lẽ tình cảm giữa ba huynh đệ này có sự khác biệt?
Mối quan hệ phức tạp giữa ba huynh đệ Tiêu Phong
Ai đọc nguyên tác đều biết, Tiêu Phong quen biết Đoàn Dự trước, hai người đã kết nghĩa huynh đệ. Mãi đến hồi thứ 41, trong trận đại chiến ở Thiếu Lâm tự, Tiêu Phong mới quen biết Hư Trúc. Lúc này chỉ còn chín hồi nữa là kết thúc truyện, có thể nói tình nghĩa giữa Tiêu Phong và Hư Trúc không sâu đậm.
Nếu nói Tiêu Phong vì hành động lỗ mãng năm xưa, lầm tưởng Đoàn Chính Thuần là thủ lĩnh, sau đó giết chết A Châu, mà cảm thấy áy náy, không dám đối mặt với Đoàn Dự, thì cũng không đúng. Bởi vì sau đó họ vẫn kề vai sát cánh chiến đấu.

Hư Trúc và Đoàn Dự đều là huynh đệ nhưng Tiêu Phong chỉ truyền lại võ công cho người có ân oán với mình là Hư Trúc. (Ảnh: Sohu)
Nói về sự phức tạp trong mối quan hệ, kỳ thực Tiêu Phong và Hư Trúc mới là kẻ thù thực sự. Cha của Hư Trúc là Huyền Từ đã dẫn đầu các cao thủ Trung Nguyên đến Nhạn Môn Quan giết chết mẹ của Tiêu Phong, ép cha chàng là Tiêu Viễn Sơn nhảy xuống vực. Bản thân Tiêu Phong cũng trở thành đứa trẻ mồ côi.
Hơn 30 năm sau, tại Thiếu Lâm tự, Tiêu Viễn Sơn đã vạch trần tội ác năm xưa của Huyền Từ trước mặt anh hùng thiên hạ, bức tử Huyền Từ và Diệp Nhị Nương. Hư Trúc vừa mới nhận lại cha mẹ đã mất họ ngay trong ngày hôm đó, thật là bi kịch!
Vì vậy, xét về điểm này, Tiêu Phong càng không nên truyền võ công cho Hư Trúc. Hai người không trở mặt thành thù đã là Kim Dung cố tình bỏ qua sự thay đổi tình cảm giữa các nhân vật.
Nỗi băn khoăn của Kim Dung
Xét về logic, Tiêu Phong không nên truyền công cho Hư Trúc mà nên truyền cho Đoàn Dự. Vậy tại sao Kim Dung lại không sắp xếp như vậy? Thực ra như đã nói ở trên, mục đích Kim Dung sửa đổi như vậy là để liên kết Thiên Long Bát Bộ với Anh Hùng Xạ Điêu, khiến cho việc truyền thừa võ công của Cái Bang trở nên hợp lý. Vì vậy, chúng ta nên phân tích từ kết quả.
Hãy thử nghĩ xem, nếu hai môn thần công này được Đoàn Dự kế thừa thì sẽ xảy ra chuyện gì? Câu trả lời là hai môn thần công này khó tránh khỏi việc rơi vào tay hậu nhân của Đoàn thị Đại Lý, trong đó tất nhiên bao gồm cả Đoàn Trí Hưng, người sau này trở thành Nam Đế.

Kim Dung chọn Hư Trúc là có ẩn ý của mình. (Ảnh: Sohu)
Với tính cách của Đoàn Dự, cho dù chàng có ý định giữ lại Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp cho riêng mình, thì chàng cũng sẽ giúp Tiêu Phong hoàn thành việc truyền thừa võ công. Hồng Thất Công đời sau tất nhiên cũng sẽ kế thừa được môn võ công này.
Nhưng nếu môn võ công này bị hậu nhân của Đoàn thị Đại Lý học được, thì cục diện Ngũ Tuyệt sau này sẽ bị phá vỡ. Đoàn Trí Hưng vốn đã là một trong Ngũ Tuyệt với Nhất Dương Chỉ. Nếu lại học được Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp, chưa nói đến việc hai môn thần công này có thể giúp Đoàn Trí Hưng tăng cường nội lực hay không, ít nhất phương thức tấn công của ông sẽ đa dạng hơn. Cao thủ so chiêu, đa dạng hơn một chút, cũng có thêm một phần thắng. E rằng thiên hạ đệ nhất sẽ không còn là Vương Trùng Dương nữa.
Có người nói, Đoàn Dự vốn đã có Bắc Minh Thần Công, Lăng Ba Vi Bộ và Lục Mạch Thần Kiếm, sao không thấy chàng truyền lại ba môn thần công này cho hậu nhân? Thực ra rất đơn giản, Bắc Minh Thần Công yêu cầu phải quên hết võ công đã học. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Nhậm Ngã Hành khi nhắc đến nguồn gốc của Hấp Tinh Đại Pháp có nói rõ Đoàn Hoàng Gia cho rằng Bắc Minh Thần Công là tà công, việc hút nội lực của người khác là không nên. Vì vậy, việc chàng không truyền lại thần công này cho hậu nhân cũng là điều bình thường.
Tiếp đến là Lăng Ba Vi Bộ, năm xưa khi Đoàn Dự học môn võ công này cũng có nhắc đến điều kiện tu luyện là phải hiểu Kinh Dịch. Chàng tinh thông Kinh Dịch, nhưng con cháu của chàng thì chưa chắc.

Xét về sự liên kết với các tác phẩm võ hiệp sau này, việc Kim Dung sắp xếp cho Tiêu Phong truyền công cho Hư Trúc quả thực hợp lý hơn. (Ảnh: Sohu)
Cuối cùng là Lục Mạch Thần Kiếm, đó hoàn toàn là một môn thần công dành riêng cho nhân vật chính. Nếu không có nội lực thâm hậu, căn bản không thể học được. Bản Nhân đại sư đã từng nói: “Theo bản ý của Lục Mạch Thần Kiếm, phải là một người cùng lúc sử dụng sáu luồng kiếm khí, nhưng vào thời mạt pháp này, võ học suy vi, không còn ai có thể tu luyện được nội lực mạnh mẽ như vậy. Chúng ta đành phải sáu người chia nhau sử dụng sáu luồng kiếm khí.” Hậu nhân của Đoàn Dự không học được chiêu này cũng là điều bình thường.
Còn Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp thì khác. So với Bắc Minh Thần Công, Lăng Ba Vi Bộ, Lục Mạch Thần Kiếm, hai môn võ công này dễ học hơn nhiều. Vì vậy, xét từ kết quả, việc Kim Dung sắp xếp cho Tiêu Phong truyền công cho Hư Trúc quả thực hợp lý hơn. Bởi vì sau này trong võ lâm không xuất hiện truyền nhân của Linh Thứu cung.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả trên Sohu.
Đọc bài gốc tại đây.