Giữa trưa, cái nắng như nung, tôi đang lúi húi dọn mớ quần áo phơi ngoài sân thì con trai tôi đi học về bảo: “Mẹ ơi, hè này con không muốn đi học thêm nữa đâu”.
Tôi cau mày, chưa kịp nghĩ ngợi gì nhiều đã đáp ngay, giọng khó chịu: “Không học thì định làm gì? Đàn đùm, chơi điện tử nguyên mấy tháng à?”.
Con tôi nhỏ giọng, lắp bắp bảo: “Con chỉ thấy mệt thôi mẹ. Con không học nổi nữa… Con chỉ muốn nghỉ ngơi chút. Con cũng không đàn đúm gì mà sẽ chủ động tự ôn ở nhà mà”.
Tôi nổi đóa. Bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu tiền bạc cho nó đi học cả năm để theo đuổi mục tiêu đỗ trường cấp 3 top đầu, giờ lại “mệt”, lại đòi nghỉ hè để… nằm dài? Tôi nạt thẳng: “Con thử nhìn bạn bè xung quanh xem! Đứa nào cũng học. Chỉ có con là lười. Học hành kiểu này sau này định làm gì?”.
Nói xong, tôi đóng sầm cửa. Thằng bé lủi thủi đi vào, chẳng nói thêm lời nào.
Tối hôm đó, khi chồng tôi đi làm về, tôi kể lại mọi chuyện bằng giọng bực bội. Tôi bảo chồng: “Anh liệu mà vào “khai thông” não cho nó. Năm nay lớp 8, sang năm lớp 9, rồi thi lớp 10 mà còn cái tư tưởng “nghỉ hè” xem có coi được không”.
Chồng tôi không nói gì ngay. Chờ tôi trút xong, anh mới nhẹ nhàng bảo: “Em nhớ bài báo về nữ sinh bị tâm thần vì áp lực học tập mà mấy hôm trước vợ chồng mình đọc không? Thế giờ nếu nó nghe lời mình, vẫn cố đi học để bố mẹ vui lòng, rồi stress, rồi nói gở xảy ra chuyện gì đó thì em tính sao? Con nó cũng đâu có chơi mà đã chỉ xin nghỉ ngơi một chút mà? Con mình trước giờ đâu phải đưa hay than vãn, hay lười biếng, nhưng lần này nó dám xin bố mẹ cho nghỉ học thêm. Em nghĩ vì sao?”.

Jackson (bên trái) đã tự làm hại bản thân vì không muốn bơi
Những lời chồng nói khiến tôi ngây người. Tối đó, tôi không ngủ được, chồng cũng vậy. Anh quay sang bảo tôi: “Em nhớ cái phim Sex Education hôm bữa anh hay xem không? Có một đoạn anh nhớ mãi… Một cậu bé tên Jackson, bơi giỏi, là ngôi sao bơi lội, giành một đống giải nhưng không thực sự thích bơi. Bơi là ước mơ của mẹ Jackson.
Vì không dám đối diện với mẹ, không dám nói rằng mình không muốn bơi nữa, mà nó tự làm hại bản thân, tự làm thương cánh tay. Chỉ vì không dám nói. Còn thằng con mình hôm nay dám nói với em rằng nó mệt – đó là một điều khó rồi, chứ không phải dễ.Tôi im lặng.
Chồng tôi nói tiếp: “Mình cứ nghĩ trẻ con né tránh là lười, nhưng nhiều khi tụi nó chỉ không biết cách nói ra. Nó chọn nói thẳng với em thay vì trốn học – em không thấy đó là điều đáng mừng sao?”.
Tôi thẫn ra. Trong đầu vang lại gương mặt cúi đầu của con. Mặt mũi nó lúc ấy có gì đó giống như… buồn lắm. Nhưng tôi đã gạt đi, vì tôi nghĩ tôi hiểu con – nhưng có lẽ tôi chưa hiểu thật.
Bài học tôi rút ra:
1. Trẻ con không yếu đuối khi nói thật – mà chúng can đảm hơn ta tưởng
Nói ra cảm xúc của mình – nhất là với cha mẹ – không phải là điều dễ dàng. Lựa chọn dễ là im lặng, trốn tránh, nói dối. Nhưng con chọn điều khó – nói thật với mẹ rằng con mệt – thì điều đó nên được lắng nghe.
2. Làm cha mẹ, đừng phản ứng theo bản năng – hãy phản hồi bằng thấu hiểu
Cái phản xạ mắng con – thực chất là phản ánh nỗi sợ và kỳ vọng của chính người lớn. Nhưng nếu cứ áp tiêu chuẩn của mình lên con, ta sẽ giết chết dần dần sự trung thực của con với cha mẹ.
3. Nghỉ ngơi không phải là thất bại. Đôi khi, dừng lại là để đi xa hơn
Đứa trẻ nào cũng cần một khoảng thở – nhất là sau cả năm học dài. Nếu không cho phép con nghỉ ngơi, con sẽ tự tìm cách để “thoát” – và nhiều khi, cái giá của sự thoát đó là tổn thương âm thầm mà cha mẹ không bao giờ thấy được.
4. Con cái không phải là “kế hoạch” cần kiểm soát – mà là người cần được đồng hành
Thay vì đặt lộ trình và đẩy con phải đi đúng như ta muốn, hãy ngồi xuống và hỏi: con muốn gì? con cần gì lúc này? Dạy con cách tự đưa ra lựa chọn – và chịu trách nhiệm với nó – sẽ quý giá hơn bất kỳ lớp học hè nào.
Tối hôm sau, tôi gõ cửa phòng con. Nó đang nghe nhạc. Tôi ngồi xuống cạnh, khẽ nói:
– “Mẹ xin lỗi. Mẹ sẽ không ép con đi học thêm nữa. Nhưng mẹ muốn mình cùng nhau tìm một cách khác. Để vừa học, vừa nghỉ – sao cho con thấy ổn”.
Nó im lặng, nhưng rồi gật đầu. Gương mặt dịu đi, và tôi thấy rõ – thằng bé đang lớn, còn tôi… đang học lại cách làm mẹ.
Đọc bài gốc tại đây.