
Theo các tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ, khi ký hợp đồng, khách hàng sẽ được đọc bảng minh họa quyền lợi, trong đó thể hiện chi tiết dòng tiền, phí bảo hiểm định kỳ, các khoản khấu trừ cũng như quyền lợi dự kiến theo từng năm. Đây là tài liệu quan trọng giúp người mua hình dung được dòng tiền “đi đâu về đâu” trong suốt thời gian tham gia hợp đồng. Ngoài ra, ngay trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng liệt kê các khoản phí kèm tỷ lệ % theo các năm dựa trên số năm mà người mua bảo hiểm tham gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người bỏ qua thông tin các khoản phí cũng như không biết cách đọc bảng này hoặc thậm chí bỏ qua hoàn toàn. Chính vì vậy, không ít người dù đã đóng bảo hiểm 2–3 năm, thậm chí là 10 năm, vẫn cảm thấy bức xúc khi làm thủ tục rút hợp đồng mà không nhận lại được bao nhiêu do chưa hiểu rõ các khoản phí đã được trừ trong thời gian tham gia. Với các hợp đồng chưa đủ 2 năm, số tiền hoàn lại có thể bằng 0 vì phần lớn đã được phân bổ cho các loại chi phí ban đầu và chi phí rủi ro.
Thậm chí, có những người tham gia bảo hiểm tới 10–15 năm, nhưng khi đáo hạn nhận lại số tiền thấp hơn kỳ vọng, dẫn đến cảm giác như bị “lừa”. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hợp đồng, có thể thấy rõ rằng 100% phí bảo hiểm không hoàn toàn được đưa vào tài khoản tích lũy. Thay vào đó, khoản tiền khách hàng đóng vào sẽ được phân bổ qua nhiều loại chi phí như:
Phí ban đầu: Là khoản chi phí để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các thủ tục phát hành hợp đồng, bao gồm thẩm định sức khỏe, kiểm tra y tế, tư vấn… Trong năm đầu, phí này có thể chiếm tới 85% phí bảo hiểm cơ bản và 5% khoản đầu tư thêm. Tỷ lệ khấu trừ sẽ giảm dần nếu hợp đồng được duy trì lâu dài.
Phí bảo hiểm rủi ro: Được khấu trừ hàng tháng để đảm bảo quyền lợi bảo vệ theo hợp đồng. Mức phí này thay đổi theo độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm.
Phí quản lý hợp đồng: Là chi phí để duy trì hoạt động của hợp đồng, bao gồm các dịch vụ như thông báo nhắc phí, xác nhận giao dịch, hỗ trợ tư vấn…
Phí quản lý quỹ: Áp dụng với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đây là khoản phí để công ty bảo hiểm quản lý các quỹ mà khách hàng lựa chọn đầu tư.
Với hàng loạt khoản chi phí như trên, trong 1- 2 năm đầu, phần lớn số tiền khách hàng đóng vào sẽ bị khấu trừ, dẫn đến giá trị hoàn lại rất thấp nếu rút hợp đồng sớm.
Người mua hoàn toàn có thể theo dõi chi tiết việc phân bổ dòng tiền này thông qua bảng minh họa quyền lợi hoặc đọc phần cập nhật chi tiết về các khoản phí ngay trong phần đầu của hợp đồng. Ngoài ra, khách hàng nên chủ động trao đổi với tư vấn viên để được giải thích rõ từng loại chi phí. Lưu ý rằng mỗi công ty bảo hiểm có cách thiết kế chi phí khác nhau, do đó việc hiểu rõ sản phẩm trước khi tham gia là rất cần thiết.
Thực tế cho thấy, bảo hiểm nhân thọ là một cam kết tài chính dài hạn. Sản phẩm này không phù hợp với những người muốn linh hoạt rút tiền trong thời gian ngắn như khi gửi tiết kiệm ngân hàng.
Theo các chuyên gia, người tham gia bảo hiểm nên có kế hoạch duy trì hợp đồng ít nhất từ 10 năm trở lên để tối ưu hóa quyền lợi. Khi đó, các khoản chi phí ban đầu và chi phí rủi ro sẽ giảm dần, trong khi phần phí được phân bổ vào tài khoản tích lũy hoặc đầu tư sẽ tăng lên giúp tăng giá trị hoàn lại nếu rút giữa chừng hoặc khi đáo hạn hợp đồng.
Để tránh trường hợp rút hợp đồng sớm và chịu thiệt:
– Hãy đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm và bảng minh họa quyền lợi trước khi ký kết.
– Tìm hiểu rõ các loại phí khấu trừ trong từng giai đoạn của hợp đồng.
– Xác định mục tiêu tham gia rõ ràng: bảo vệ tài chính, đầu tư dài hạn hay tiết kiệm cho tương lai con cái.
– Chủ động trao đổi định kỳ với tư vấn viên hoặc đại diện công ty bảo hiểm để nắm rõ tình trạng hợp đồng và dòng tiền.
Bảo hiểm nhân thọ không phải là kênh tiết kiệm sinh lời tức thì. Nếu người tham gia hiểu đúng bản chất sản phẩm và nắm rõ cơ cấu chi phí, họ sẽ tránh được kỳ vọng sai lệch, đồng thời tận dụng tối đa quyền lợi mà hợp đồng mang lại. Trong mọi trường hợp, đừng vội hủy hợp đồng chỉ vì thấy số tiền hoàn lại thấp, hãy tìm hiểu kỹ những gì đang “ẩn” sau con số đó.
Đọc bài gốc tại đây.