Nội dung chính
Bậc tam cấp là gì?
Bậc tam cấp là một hệ thống bậc thềm, thường là ba bậc, được xây dựng để nối liền giữa sân và nhà, hoặc giữa nền nhà và các tầng cao hơn, tạo sự thuận tiện trong việc di chuyển và tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
Bậc tam cấp đóng vai trò chính là cầu nối, kết nối không gian bên trong và bên ngoài, giữa sân và nhà. Ngoài ra, bậc tam cấp đẹp mắt còn làm tăng vẻ sang trọng, tinh tế cho ngôi nhà.
Theo quan niệm phong thủy, bậc tam cấp thường được xây theo số bậc lẻ (3, 5, 7, 9…) và theo quy luật “Thiên – Địa – Nhân” (trời – đất – con người) hoặc để mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Tại sao cần xây dựng bậc tam cấp? Tại sao người ta hay chọn 3 hoặc 5 bậc?
Người xưa quan niệm nhà không có bậc tam cấp ở trước cửa, để sân bằng với nền nhà là một đại kỵ. Chính vì thế cho tới ngày nay những ngôi nhà dù có kiến trúc hiện đại đến đâu vẫn được xây thêm bậc tam cấp.
Bậc tam cấp không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến phong thủy tài lộc của ngôi nhà. Dù việc đi lại trở nên dễ dàng hơn khi không có bậc tam cấp, đặc biệt là khi di chuyển đồ vật nặng như xe, nhưng điều này lại không được khuyến khích trong phong thủy.

Bậc tam cấp có 3 bậc là thiết kế phổ biến ở các ngôi nhà. (Ảnh ST)
Bậc tam cấp thường được gọi như vậy, nhưng thực tế có thể xây với số lượng bậc như 5, 7, hoặc 9 tùy thuộc vào chiều cao từ sân đến mặt sàn nhà. Việc lựa chọn số bậc phải tuân theo triết lý Thiên – Địa – Nhân và quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử.

Bậc tam cấp có 5 bậc cũng là lựa chọn của nhiều gia đình. (Ảnh ST)
Bậc tam cấp thường được xây dựng với số lẻ, trong đó 3 bậc được xem là tốt nhất về phong thủy, biểu trưng cho sự hài hòa giữa âm dương và ngũ hành. Số 5 bậc thể hiện Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đó là lý do khi thiết kế nhà cửa, người ta hay chọn bậc tam cấp có 3 bậc hoặc 5 bậc.
Trong khi đó, các công trình tôn giáo thường có 7 hoặc 9 bậc để thể hiện sự trang nghiêm và khác biệt so với nhà ở thông thường.
Xây thềm nhà chỉ có 1 hoặc 2 bậc thì có được không? Nếu không thì xử lý ra sao?
Trở lại với câu hỏi ban đầu, trong một hội nhóm trên mạng, có tài khoản đã nêu ra câu hỏi rằng đã chứng kiến có gia đình xây bậc tam cấp chỉ có 1 hoặc 2 bậc thì có được không và có ảnh hưởng gì đến phong thủy của ngôi nhà hay không.
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến từ Happynest – một chuyên trang về kiến trúc và xây dựng và các chuyên gia ở đây đã có đáp án xác đáng cho câu hỏi để thềm nhà 1 bậc hoặc 2 bậc có được không.
Theo quan niệm phong thủy, thềm nhà 1 bậc thuộc vào cung “Sinh” – cung hoàng đạo mang nghĩa khởi đầu tốt đẹp, trẻ trung, đầy năng lượng và ngập tràn sinh khí. Thềm nhà 1 bậc sẽ đem lại may mắn, sức khỏe, tiền tài, thành công cho gia chủ và các thành viên khác trong gia đình.

Bậc thềm 1 bậc góp phần tạo vẻ đẹp, sự sang trọng cho không gian tổng thể căn nhà. (Ảnh ST)
Để đảm bảo khi trời mưa, nước mưa không hắt được vào nhà thì chiều cao thềm nhà 1 bậc thường được xây cao hơn mức trung bình khoảng 10-15cm, với chiều cao dao động từ 15 – 30 cm.
Khác với thềm nhà 1 bậc, thềm nhà 2 bậc được xây thêm 1 bậc nữa để nâng chiều cao tổng thể của lối đi vào nhà, tránh mưa gió, lũ lụt. Tuy nhiên, theo quan niệm phong thủy, thềm nhà 2 bậc đại diện cho điềm không tốt, do đó, rất ít người xây thềm nhà 2 bậc cho nhà ở của mình.

Một ví dụ về thềm nhà chỉ có 2 bậc chứ không phải 3 hay 5 bậc như thông thường. (Ảnh ST)
Vì nếu xây thềm nhà 2 bậc thì bậc thứ 2 sẽ rơi vào cung “Lão”. Nếu theo quan niệm cuộc đời mỗi người trải qua 4 giai đoạn Sinh – Bệnh – Lão – Tử thì bậc thứ 2 rơi vào cung “Bệnh”. Còn nếu theo quan niệm Thiên – Địa – Nhân thì xây thềm nhà 2 bậc lại chỉ có “Thiên – Địa” mà thiếu mất “Nhân”, không đúng với quy luật của tự nhiên.
Nếu nhà bạn đã lỡ xây thềm nhà 2 bậc mà muốn sửa lại để hạn chế những điều không may thì có thể áp dụng những cách sau:
– Phương án 1: Xây thêm 1 bậc giả ở dưới sân khoảng một vài cm để cùng với 2 bậc ban đầu tạo thành bậc tam cấp. Cách này không đạt thẩm mỹ và bất tiện cho việc đi lại do chiều cao bậc giả thấp, dễ bị va vấp, chưa kể với chiều cao như vậy thì khó có thể gọi là bậc.
– Phương án 2: Gỡ bỏ bậc thứ nhất đi, đo chiều cao từ sân lên hiên nhà và chia thêm 2 bậc nữa. Hai 2 bậc mới này + hiên nhà = 3 bậc. Cách này không tốn kém mấy mà cho sự ổn định về lâu dài, lại có tính thẩm mỹ hơn so với phương án 1 dù chiều cao của bậc thấp hơn so với ban đầu một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều.
– Phương án 3: Phá bỏ luôn bậc thứ nhất chỉ để 1 bậc bước từ sân lên hiên nhà (thềm nhà 1 bậc). Cách này khả thi nếu chiều cao 1 bậc không vượt quá bước chân người và thuận tiện cho việc đi lại.
Gia Linh (Tổng hợp)
Đọc bài gốc tại đây.