Chỉ sai 1 số 0
Theo 163, cô Chu là nhân viên tài chính của công ty có trụ sở tại Quảng Đông, Trung Quốc. Vào cuối năm 2022, cô được yêu cầu thực hiện lệnh chuyển khoản thanh toán 230.000 NDT cho công ty đối tác. Do bất cẩn, người phụ nữ này đã gõ nhầm thêm 1 chữ số 0, thành 2,3 triệu NDT (11 tỷ đồng) và thực hiện chuyển khoản.
Sau khi phát hiện ra vấn đề, cô Chu nhanh chóng liên lạc với công ty đối tác và yêu cầu được hoàn trả lại số tiền chuyển nhầm. Bộ phận tài chính của công ty đối tác tiến hành kiểm tra và đồng ý trả lại tiền thừa. Sau một ngày chờ đợi, người phụ nữ cho biết đã được trả lại tiền. Tuy nhiên, số tiền mà cô nhận được chỉ vỏn vẹn 3,2 NDT (khoảng 11.000 đồng).

Ảnh minh hoạ
Chưa hiểu tại sao lại chỉ được nhận về số tiền, cô Chu tiếp tục gọi điện để đòi lại tiền. Tuy nhiên, Vương – người đại diện của công ty đối tác cho biết do phía công ty của cô Chu vẫn còn khoản nợ hơn 2 triệu NDT và đã hơn 1 năm chưa thanh toán. Chính vì thế, công ty của Vương tiến hành trừ luôn khoản nợ này. Số tiền thừa còn lại là 3,2 NDT đã được chuyển khoản lại.
Không đồng tình với phương án trên, cô Chu yêu cầu phía công ty đối tác cần chuyển khoản lại số tiền thừa và tách biệt với khoản nợ trước đó. Trước lập luận này, anh Vương khẳng định: “Chúng tôi chỉ đang lấy số tiền thuộc về mình. Chúng tôi không làm sai”.
Tòa phán quyết thế nào?
Trước áp lực của lãnh đạo yêu cầu phải nhanh chóng thu hồi số tiền chuyển khoản nhầm, trong khi công ty đối tác lại nói rằng đang trừ nợ, cô Chu quyết định đưa vụ việc ra tòa án địa phương tại Trung Quốc. Tại đây, cô cung cấp đầy đủ bằng chứng liên quan đến việc đã chuyển khoản nhầm cho công ty của anh Vương. Đồng thời, cô yêu cầu được hoàn trả đúng số tiền còn thừa, tức 2,07 triệu NDT, sau khi đã trừ đi số tiền cần phải thanh toán là 230.000 NDT.
Còn khoản nợ giữa 2 bên, cô Chu cho biết phía công ty đang tiến hành xử lý và sẽ hoàn trả số tiền này sớm. Cô phản đối việc công ty đối tác trừ nợ theo cách trên khi chưa có sự chấp thuận. Người phụ nữ này cũng cho biết việc thanh toán công nợ cần tiến hành theo đúng quy trình với đầy đủ các loại văn bản ký xác nhận 2 bên.

Ảnh minh hoạ
Sau khi hiểu được toàn bộ sự việc, tòa án Trung Quốc đã đưa ra phán quyết có lợi cho cô Chu. Thẩm phán cho biết theo Điều 122 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rằng: Trong trường hợp người khác được hưởng lợi ích bất chính mà không có căn cứ pháp luật thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu hoàn trả khoản lợi ích đó. Trong trường hợp này, cô Chu đã chuyển khoản nhầm cho công ty của đối tác và có quyền được đòi lại.
Số tiền thừa mà công ty của Vương giữ là không có cơ sở pháp lý và bị coi là lợi ích không chính đáng. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Vậy nên, tòa yêu cầu công ty của Vương trả lại số tiền chuyển khoản nhầm theo đúng quy định.
Còn về khoản nợ, tòa án yêu cầu 2 bên nên xử lý theo hợp đồng đã thỏa thuận. Bên vi phạm phải có nghĩa vụ thực hiện đúng trách nhiệm như đã cam kết.
Kết thúc phiên tòa, công ty của Vương hoàn trả lại số tiền chuyển khoản nhầm.
Thực tế, việc chuyển tiền nhầm là điều không hiếm gấp ở Trung Quốc. Để hạn chế sự cố này, khi thực hiện giao dịch, người chuyển tiền cần kiểm tra kỹ thông tin về số tài khoản, họ và tên người thụ hưởng và số tiền cần chuyển trước khi nhấn nút “Chuyển tiền”.
Trong trường hợp, bạn là người nhận được khoản tiền chuyển nhầm, cũng lưu ý để tránh gặp trường hợp lừa đảo. Khi nhận được tiền chuyển đến từ số tài khoản lạ, người nhận tuyệt đối không nổi lòng tham nếu không muốn gặp rắc rối.
Nếu nhận được một số tiền lạ vào tài khoản mà không rõ nguồn gốc, mọi người hãy liên hệ ngay với ngân hàng địa phương để báo cáo và kiểm tra thông tin. Tuyệt đối không tự ý sử dụng số tiền đó vì có thể là hành vi vi phạm pháp luật Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu có người liên hệ và yêu cầu hoàn trả tiền thông qua các phương thức khác, hãy cẩn trọng để tránh bị lừa đảo. Chỉ thực hiện hoàn trả theo hướng dẫn của ngân hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc để đảm bảo an toàn.
Đinh Anh (Theo 163)
Đọc bài gốc tại đây.