Ẩm thực đường phố, bình dân chính là một trong những yếu tố khiến các du khách nước ngoài yêu thích Việt Nam. Những món ăn dù có giá rẻ, bình dân, được bán trong những sạp hàng nhỏ hay vỉa hè lại mang những hương vị rất riêng, rất đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.
Món ăn sau đây là một ví dụ, được chàng du khách tên Sonny thưởng thức trong chuyến du lịch Huế của mình. Du khách tâm đắc với hương vị món ăn này đến nỗi, đưa nó vào danh sách “Vietnamese Noodles from North to South – Must Try Before You Die!” (Tạm dịch: “Những món mỳ Việt Nam từ Bắc đến Nam – nhất định phải thử trước khi qua đời!”).
Với nhiều người Việt nói chung hay người Huế nói riêng, món ăn được nhắc tới còn được xem là điển hình cho một món giá rẻ, phù hợp ăn vào mọi thời điểm trong ngày, thậm chí còn được gọi vui là “món cho người nghèo”. Đó là mỳ hến.

Ảnh Youtube More Best Ever Food Review Show
Từ món “cho người nghèo” đến đặc sản xứ Huế
Thực tế, mỳ hến là một phiên bản được cải tiến từ món cơm hến, và từ lâu chúng đều được coi là đặc sản của xứ Cố đô. Nhiều du khách cả trong nước và nước ngoài chia sẻ, đến Huế, họ đều được khuyên nhất định phải thử các món với hến, trong đó có cơm hến và mỳ hến.
Đúng như tên gọi, món ăn bao gồm 2 nguyên liệu chính đơn giản là cơm/mỳ và hến – được người bản địa đánh bắt trực tiếp. Nhiều người bản địa kể lại, xưa kia có một gia đình nghèo, sau buổi đánh bắt nhưng không bắt được tôm, cá, nên đành ăn cơm nguội với hến cho qua bữa.

Ảnh minh họa
Món ăn đơn giản, giá rẻ nhưng có hương vị vừa vặn sau đó lại nhanh chóng được nhiều người biết tới và thưởng thức. Từ đó trở thành một trong những đặc sản của người Huế. Có lẽ chính bởi câu chuyện này, nên cơm hến mới được gọi vui, mệnh danh là món ăn “cho nhà nghèo”.
Giờ đây, cơm hến, mỳ hến hay cả bún hến đã trở thành món đặc sản mà du khách không thể không thử khi đến xứ Huế mộng mơ. Bên cạnh 2 thành phần chính, món ăn còn có thêm một số loại rau thơm như khế, xoài chua bào sợi, bắp chuối xắt mỏng, tóp mỡ, da heo phơi khô chiên phồng, lạc rang nguyên hạt, lá bạc hà, thêm chút mắm ruốc, ớt bột tao dầu…
Hến trong cơm/mỳ hến đặc biệt thế nào?
Dù là cơm hay mỳ, thì thành phần chính tạo nên sự độc đáo hiếm đâu có được của món đặc sản bình dân Huế này chính là hến – thứ cũng khiến Sonny phải trầm trồ. Hến ở đây là loại nhuyễn thể 2 mảnh sống tự nhiên ở vùng cồn cát, đầm phá thuộc hạ lưu sông Hương, sông Bồ, đặc biệt nổi tiếng ở Cồn Hến.
Hến ở Huế có kích thước nhỏ hơn hẳn với hến ở miền Bắc hay miền Nam, vỏ mỏng, ruột bé nhưng ngọt nước và thịt đậm, thơm dai. Đặc biệt hơn nữa là hến được người dân đánh bắt trực tiếp từ môi trường nước lợ tự nhiên, không phải hến nuôi.

Hến dùng trong cơm, mỳ, bún hến là hến đánh bắt, không phải hến nuôi (Ảnh minh họa)

Một hàng bán cơm hến quen thuộc ở Huế (Ảnh iViVu)

Vị khách nước ngoài trầm trồ với cách người Huế đánh bắt hến để làm cơm hến, bún hến, mỳ hến (Ảnh Youtube More Best Ever Food Review Show)

Cách người Huế sơ chế hến (Ảnh Youtube More Best Ever Food Review Show)
Trong video của mình, Sonny cũng được tận mắt chứng kiến quy trình người bản địa đánh bắn hến, từ đó cho ra những món đặc sản cơm hến, mỳ hến hay bún hến. Từ đó, anh chàng lại càng thêm đánh giá cao món ăn này dù nó có mức giá rất rẻ, chỉ từ 12.000 đồng/bát.
Theo VnExpress, người dân nơi đây thường bắt hến từ lúc chạng vạng sáng, khi nước rút, bằng cách dùng cào hoặc rổ xúc thủ công dưới lớp bùn phù sa. Sau khi đánh bắt, hến được rửa sạch và ngâm trong nước vo gạo hoặc nước lạnh pha ớt từ 1 đến 3 ngày để chúng nhả hết bùn cát – một bí quyết dân gian giúp giữ lại độ ngọt mà không tanh. Hến sau đó được luộc chín tới để tách lấy phần thịt – gọi là “mặt hến”, đồng thời giữ lại phần nước luộc.
Nước hến không chỉ làm nước chan, mà còn quyết định mùi vị tổng thể của cả tô cơm hến. Theo VietnamPlus, nước luộc sau khi lắng lọc sẽ được nêm thêm chút gừng, ruốc Huế và gia vị, tạo ra thứ nước dùng thanh nhưng đậm đà, vừa có vị mặn mòi của sông, vừa có vị ngọt hậu đặc trưng.
Loại nước này ăn với cơm hến là hợp hơn cả. Thứ nước đục ngầu thoạt trông đơn sơ ấy lại mang theo vị ngọt tự nhiên không gì thay thế. Khi chan lên bát cơm nguội, cùng với rau sống, tóp mỡ, đậu phộng rang và ớt tương, nước hến không những làm mềm cơm mà còn gắn kết mọi hương vị lại với nhau, tạo nên một tổng thể hài hòa – cay, mặn, ngọt, thanh, bùi.

Món ăn luôn có kèm bát sốt từ mắm ruốc hay bát nước hến (Ảnh minh họa)
Không cầu kỳ nguyên liệu, chẳng cần trình bày kiểu cách, những món ăn từ hến như cơm hến, bún hến, mì hến lại chứa đựng cả tinh thần Huế: Mộc mạc mà sâu sắc, đạm bạc mà đậm đà. Với du khách nước ngoài, đây không chỉ là cơ hội để khám phá một món ăn lạ miệng, mà còn là cách gần gũi nhất để hiểu người Huế – qua cách họ ăn, họ nấu, và giữ gìn di sản ẩm thực của mình.
Đọc bài gốc tại đây.